TTC chuyển hướng chiến lược

Hà Phương 11/05/2019 16:00

TTC đã có chiến lược chuyển dịch vùng nguyên liệu sang Lào, Campuchia nhằm làm bàn đạp để chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á và thoát khỏi “vũng lầy” thiếu nguyên liệu tại Việt Nam.

Việc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đóng cửa nhà máy đường Nước Trong để chuyển sang sản xuất đường organic, cộng với việc chuyển dịch vùng nguyên liệu sang Lào và Campuchia được cho là bước chuyển hướng chiến lược của tập đoàn này.

Vùng nguyên liệu manh mún, giá điện tăng, đường nhập lậu tràn lan… đã khiến nhiều nhà máy đường trong nước có nguy cơ phải đóng cửa, kể các nhà máy đường của TTC.

p/22/41 nhà máy đường trên toàn quốc đã và đang có khả năng đóng cửa do thiếu hiệu quả.

22/41 nhà máy đường trên toàn quốc đã và đang có khả năng đóng cửa do thiếu hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

  • Mía đường TTC

    Mía đường TTC "vươn tay" tới Campuchia

    10:58, 27/03/2019

  • OCB hợp tác với TTC tiếp vốn cho mía đường

    OCB hợp tác với TTC tiếp vốn cho mía đường

    07:22, 09/01/2019

Giải quyết bài toán sở hữu chéo

Trong giai đoạn 2013-2017, cấu trúc sở hữu mảng mía đường trong hệ thống của TTC rất phức tạp. Điều này khiến cho việc điều phối hoạt động cũng như quản trị của TTC gặp nhiều khó khăn. TTC đã phải mất đến 4 năm với hàng loạt các thương vụ sáp nhập, mới giải quyết được tình trạng sở hữu chéo và tập trung về một đầu mối quản lý cao nhất là CTCP Mía đường Thành Thành Công- Biên Hòa (HoSE: SBT).

Quá trình tái cấu trúc được bắt đầu với việc sáp nhập đường Ninh Hòa vào đường Biên Hòa và sáp nhập mía đường Nhiệt điện Gia Lai vào TTC Tây Ninh. Đến tháng 8/2017, đường Biên Hòa hoàn thành sáp nhập vào TTC Tây Ninh thành SBT. Hiện tại, SBT trở thành Cty mía đường lớn nhất cả nước với khoảng 30% thị phần, vốn hóa thị trường đạt hơn 15.000 tỷ đồng.

30% là tổng số thị phần ước tính của CTCP Thành Thành Công Biên Hòa- Cty con của Tập đoàn Thành Thành Công.

Cùng với mía đường, TTC cũng tích cực xử lý sở hữu chéo tại các mảng kinh doanh khác. Một thương vụ lớn khác của TTC đã hoàn tất trong năm 2017 là tăng vốn và đưa CTCP Du lịch Thành Thành Công (HoSE: VNG) trở thành đầu mối sở hữu các công ty trong mảng du lịch, lữ hành…

Chuyển dịch vùng nguyên liệu

Trước những khó khăn của ngành mía đường, TTC cũng đã có chiến lược chuyển dịch vùng nguyên liệu sang Lào, Campuchia nhằm làm bàn đạp để chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á và thoát khỏi “vũng lầy” thiếu nguyên liệu tại thị trường Việt Nam.

Theo ông Thành, sở dĩ TTC mở rộng sang Lào và Campuchia là do những vùng đất này còn hoang sơ, chưa bị ô nhiễm bởi quá trình canh tác hoá học, diện tích canh tác lớn và liền thửa, có thể áp dụng cơ giới hoá trên cánh đồng mẫu lớn để triển khai sản xuất mía organic theo tiêu chuẩn châu Âu.

Bên cạnh nông trường tại Lào với tổng diện tích 2.300ha, tổng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất mía tập trung tại Campuchia lên đến 16.000ha trong bán kính không quá 30 km, sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu của TTC lên hơn 70.000ha tại ba nước Đông Dương.

Đặc biệt, với hệ thống dây chuyền nhà máy hiện đại ở Campuchia khi vận hành sẽ sản xuất đường thô, đường tinh luyện, cồn, điện thương phẩm cùng nhiều phụ phẩm có giá trị khác, tạo thành một chuỗi sản xuất khép kín khai thác tối đa giá trị từ cây mía. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để TTC có thể xuất khẩu trực tiếp đường sang các nước Đông Nam Á. Chiến lược của TTC là 50% xuất khẩu, 50% phục vụ thị trường nội địa.

Thách thức cân đối tài chính

Theo các chuyên gia, để thực hiện được chiến lược nói trên, TTC phải chấp nhận đặt cược lớn bằng việc nợ vay gia tăng.

Cho đến thời điểm này, chưa một báo cáo tài chính nào của TTC được công bố công khai, nhưng hiện vốn điều lệ của tập đoàn này là 12.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 16.231 tỷ đồng, tổng tài sản 43.557 tỷ đồng. Theo các chuyên gia tài chính, dù TTC không công bố số nợ vay, nhưng dựa trên chênh lệch lớn giữa tổng tài sản và vốn chủ sở hữu có thể thấy tỷ lệ đòn bẩy tài chính của TTC là rất lớn.

Hiện các công ty thành viên, nhất là các công ty mía đường, cũng đang cho thấy tình hình thanh khoản đã tới ngưỡng “căng thẳng” khi quy mô lớn mà doanh thu và lợi nhuận ngày càng eo hẹp… Chưa kể các công ty này liên tục phát hành trái phiếu chuyển đổi huy động vốn cho các tham vọng này của TTC. Mới đây, mía đường Biên Hòa (SBT) thông qua phương án phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo, đáo hạn năm 2020. Trước đó vào năm 2018, SBT cũng phát hành 450 tỷ trái phiếu chuyển đổi. Trong khi đó, hàng loạt các công ty con của TTC liên tục phát hành trái phiếu huy động vốn trong thời gian qua.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Hữu Hùng- Công ty KPMG, việc phát hành trái phiếu huy động vốn như con “dao hai lưỡi”, nếu không cân đối được tài chính thì hậu quả của việc lạm dụng phát hành trái phiếu của TTC rất dễ sa lầy như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, một bài học cũ nhưng không mới.

Áp lực cạnh tranh với ngành đường Việt

Tình hình ngành mía đường Việt Nam nói chung đang diễn biễn không mấy tích cực. Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, tất cả nhà máy đường dưới 5.000 tấn mía cây/ngày mà không có vùng nguyên liệu thì khó tồn tại trong mùa 2019-2022. Bên cạnh đó, đường nhập lậu đổ bộ vào Việt Nam khiến ngành đường trong nước không đủ sức cạnh tranh.

Ngoài ra, theo lộ trình cam kết tại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), mặt hàng đường từ các nước trong khối vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu giảm từ 5% xuống 0%, sẽ gây áp lực với các doanh nghiệp đường.

Theo Bộ Công thương, việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan này là theo cam kết tại ATIGA. Vì vậy, doanh nghiệp ngành mía đường trong nước sắp tới sẽ gặp khó khăn hơn khi phải cạnh tranh với đường giá rẻ từ các nước sản xuất đường trong TOP đầu thế giới như Thái Lan…

Riêng Việt Nam, bên cạnh những khó khăn chung do lượng đường tồn kho dư cung cao (trung bình từ 400.000 tấn – 600.000 tấn/năm), ngành mía đường đã luôn chịu áp lực cạnh tranh với đường nhập lậu từ Lào, Thái Lan, với giá bán luôn rẻ hơn đường Việt Nam từ 2.000 đồng – 3.000 đồng/kg trong hàng chục năm qua.

Hiện nay đang vào vụ thu hoạch mía niên vụ 2019 – 2020, doanh nghiệp sản xuất đường cũng đối mặt với nhiều khó khăn do giá đường trên thị trường giảm, các nhà máy đường chỉ mua mía nguyên liệu với số lượng hạn chế và sản xuất cầm chừng khoảng 50% công suất do lượng hàng đường tồn kho lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TTC chuyển hướng chiến lược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO