Với khoản tiền 1.032 tỷ đồng TTF đã nhận đặt cọc từ Vingroup theo thỏa thuận, tài sản ngắn hạn của TTF không còn vượt nợ phải trả ngắn hạn, khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của được đảm bảo.
>>>Gỗ Trường Thành trầy trật chuyện lãi - lỗ
Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với doanh thu thuần đạt 536 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn tăng 67% lên 461 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp gấp đôi lên 75 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 11,53% lên 13,97%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của TTF tăng mạnh từ 3 tỷ đồng lên 24 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính tăng 8%, chi phí bán hàng tăng 14% nhưng chi phí quản lý giảm 17%. Doanh nghiệp gỗ báo lãi sau thuế đạt 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 39 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 15 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 40 tỷ cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, TTF đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 2.268 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 72 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được của quý đầu năm, đơn vị thực hiện được 23,6% mục tiêu doanh thu và 26,4% mục tiêu lợi nhuận.
Tại thời điểm cuối quý, TTF có 2.779 tỷ đồng tổng tài sản, giảm nhẹ so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền giảm từ 244 tỷ đồng xuống 176,5 tỷ đồng, khoản phải thu giảm từ 548 tỷ đồng xuống 442 tỷ đồng, hàng tồn kho cũng giảm từ 933 tỷ xuống 890 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 19/4, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có quyết định chuyển cổ phiếu TTF từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo từ ngày 21/4/2022 với lý do báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 của TTF ghi nhận lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ gần 9 tỷ đồng và lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2021 đã kiểm toán hơn 3.000 tỷ đồng.
Cũng trong ngày này, TTF đã có văn bản giải trình, đồng thời đưa ra các phương án khắc phục. Cụ thể, về nguyên nhân, TTF cho rằng, doanh thu năm 2021 của Công ty đạt hơn 1.607 tỷ đồng, tương ứng 79% kế hoạch và tăng 33% so với năm trước. Tuy nhiên, Công ty mẹ lỗ gần 9 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lãi 31 tỷ đồng.
Theo TTF, nguyên nhân do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 khiến chuỗi cung ứng giãn đoạn đẩy giá chi phí nguyên liệu gỗ và vận chuyển tăng cao; tình trạng thiếu hụt container khiến xuất khẩu gián đoạn. Hàng hóa thường xuyên bị dồn ứ tại nhà máy, bến cảng, làm phát sinh chi phí, giao hàng bị chậm so với kế hoạch.
>>>Đầu tư ra nước ngoài, TTF đang dần hiện thực hóa “giấc mơ” 1 tỷ USD
Bên cạnh đó, chi phí hoạt động "3 tại chỗ", bán hàng tăng cao bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, cộng thêm tình trạng thiếu hụt nhân công cũng tác động tăng tổng chi phí của doanh nghiệp.
Ngoài ra, bối cảnh dịch bệnh khiến công ty không thể ký kết hợp động mới, các dự án bất động sản đang triển khai bị chậm, giãn tiến độ; chậm tiến độ nghiệm thu đơn hàng, gây ra áp lực nợ xấu, nợ khó đòi và ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền của công ty.
Về biện pháp khắc phục tình hình kinh doanh, TTF cho biết, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 2.268 tỷ đồng và 72 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 41% và 29 lần so với năm 2021. Để đạt được mục tiêu trên, TTF sẽ thực hiện các giải pháp sau:
Đẩy mạnh hợp tác trong mảng xuất khẩu với các khách hàng lớn như Natuzzi, RH, West Elm, Potterry Barn, Create and Barrel, TJX… với nhiều ngành hàng để tăng doanh thu, cải thiện biên lợi nhuận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; hợp tác với các nhà phát triển bất động sản trong nước để khai thác sản phẩm nội thất tại các dự án đang triển khai.
TTF sẽ tiếp tục nâng công suất dự kiến tất cả nhà máy tại Bình Dương từ 100 tỷ đồng/tháng lên 140 tỷ đồng/tháng để đáp ứng nhu cầu tăng cao của các đơn hàng trong năm 2022; đồng thời thuê lại nhà máy ván MDF/PB tại Bình Dương với công suất 90,000 m3 MDF và 50,000 m3/tháng để tự chủ nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy tại Bình Dương và đáp ứng nhu cầu của các nhà máy khác ngoài hệ thống.
Trong năm 2022, TTF sẽ chào bán 41.120.000 cổ phiếu riêng lẻ,với tổng giá trị dự kiến thu được từ đợt chào bán theo mệnh giá là hơn 411 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được sẽ bổ sung vốn lưu động sản xuất kinh doanh.
Một phương án đáng chú ý khác được nhắc tới là việc TTF sẽ gia hạn hiệu lực thỏa thuận chỉ định nhà cung cấp chiến lược về nội thất giữa TTF và Vingroup đến ngày 15/5/2027. Theo đó, khoản tiền 1.032 tỷ đồng TTF đã nhận đặt cọc từ Vingroup theo thỏa thuận đặt cọc kèm theo cũng được gia hạn đến ngày trên. Vì vậy, tài sản ngắn hạn của nhóm Công ty không còn vượt nợ phải trả ngắn hạn, khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của Công ty được đảm bảo.
Ngoài ra, TTF cũng sẽ chuyển nhượng các công ty trồng rừng không phù hợp với định hướng phát triển, tập trung thu hồi công nợ, thanh lý hàng tồn kho và tài sản không đem lại hiệu quả; Đẩy mạnh công tác đấu thầu, tìm kiếm việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm thị trường, đảm bảo sản xuất kinh doanh mang lại lợi nhuận cho năm 2022 và các năm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
Gỗ Trường Thành trầy trật chuyện lãi - lỗ
05:00, 06/04/2022
Đầu tư ra nước ngoài, TTF đang dần hiện thực hóa “giấc mơ” 1 tỷ USD
05:00, 20/02/2022
Những đại gia “giải cứu” TTF trong đợt phát hành mới
04:50, 13/12/2021
TTF được chấp thuận chào bán cổ phiếu riêng lẻ
05:00, 27/11/2021
Tránh "án" hủy niêm yết TTF, "trùm giải cứu" Mai Hữu Tín sẽ làm gì?
11:00, 16/09/2021
[eMagazine] “Ông trùm giải cứu” Mai Hữu Tín và cuộc lột xác TTF
05:45, 07/07/2021