Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã gửi văn bản đến TTF liên quan đến việc doanh nghiệp này không công bố thông tin khi bán cổ phiếu quỹ.
>>>TTF khắc phục việc cổ phiếu bị cảnh báo bằng cách nào?
Theo đó, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) đã bán 12,6 triệu cổ phiếu quỹ từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2021 thông qua khớp lệnh, nhưng không công bố thông tin theo quy định.
Theo TTF, trong năm 2020, Công ty nhận hơn 12,6 triệu cổ phiếu TTF từ gia đình ông Võ Trường Thành nhằm mục đích khắc phục một phần thiệt hại. Sau khi hoàn tất quá trình chuyển giao, TTF đã có văn bản gửi đến các cơ quan quản lý để xin hướng dẫn hạch toán số cổ phiếu này.
Đến ngày 15/01/2021, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán thuộc Bộ Tài chính đã hướng dẫn TTF hạch toán số cổ phiếu nhận bồi thường vào cổ phiếu quỹ của Công ty.
Tuy nhiên, từ tháng 8 đến tháng 12/2020, TTF đã bán gần 8,9 triệu cổ phiếu TTF nhận được từ gia đình ông Võ Trường Thành nói trên. Đến tháng 3/2021, Công ty tiếp tục bán thêm hơn 3,7 triệu cổ phiếu còn lại từ số cổ phiếu được bồi thường. Tất cả giao dịch đều được thực hiện thông qua khớp lệnh trên sàn.
Sau giao dịch, số cổ phiếu quỹ còn lại của TTF là 15.815 cổ phiếu và vẫn được giữ cho đến nay. Đây là số cổ phiếu quỹ của Công ty có từ trước khi nhận bồi thường.
Trong văn bản giải trình gửi HoSE, ông Nguyễn Trọng Hiếu - Tổng Giám đốc TTF giải thích, đó là lượng cổ phiếu nhận theo thỏa thuận chuyển giao tài sản từ gia đình ông Võ Trường Thành - người sáng lập, cựu Chủ tịch HĐQT TTF, để khắc phục một phần thiệt hại trong năm 2020.
"Việc bán cổ phiếu từ gia đình ông Võ Trường Thành mà doanh nghiệp không công bố thông tin bán cổ phiếu quỹ là vì bản chất việc chuyển giao cổ phiếu từ cựu Chủ tịch HĐQT- ông Võ Trường Thành là sự bồi thường thiệt hại, nghiệp vụ này không phải mua bán cổ phiếu quỹ giữa 2 bên theo giao dịch mua bán thông thường.
Đồng thời, công ty cũng chủ trương việc bán các tài sản nêu trên nhằm khắc phục thiệt hại của gia đình ông Võ Trường Thành chứ không có chủ trương mua cổ phiếu quỹ hoặc giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Đây cũng là trường hợp chưa có tiền lệ để công ty tham chiếu, làm theo…", Tổng giám đốc TTF Nguyễn Trọng Hiếu giải thích.
Vào hồi cuối tháng 4 vừa qua, HoSE cũng đã có quyết định chuyển cổ phiếu TTF từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo từ ngày 21/4/2022 với lý do BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021 của TTF ghi nhận lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 gần 9 tỷ đồng và lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2021 đã kiểm toán hơn 3 tỷ đồng.
>>>Đầu tư ra nước ngoài, TTF đang dần hiện thực hóa “giấc mơ” 1 tỷ USD
Giải trình về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và phương án khắc phục, TTF cho biết, doanh thu năm 2021 của Công ty đạt hơn 1.607 tỷ đồng, tương ứng 79% kế hoạch và tăng 33% so với năm trước. Tuy nhiên, Công ty mẹ lỗ gần 9 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lãi 31 tỷ đồng. Điều này xuất phát từ nguyên nhân do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 khiến chuỗi cung ứng gián đoạn đẩy giá chi phí nguyên liệu gỗ và vận chuyển tăng cao; tình trạng thiếu hụt container khiến xuất khẩu gián đoạn dẫn đến công tác bán hàng bị chậm so với kế hoạch trong khi nhu cầu của người tiêu dùng cũng giảm mạnh.
Bên cạnh đó, chi phí hoạt động "3 tại chỗ", bán hàng tăng cao bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, cộng thêm tình trạng thiếu hụt nhân công cũng tác động tăng tổng chi phí của doanh nghiệp.
Ngoài ra, bối cảnh dịch bệnh khiến công ty không thể ký kết hợp động mới, các dự án bất động sản đang triển khai bị chậm, giãn tiến độ; chậm tiến độ nghiệm thu đơn hàng, gây ra áp lực nợ xấu, nợ khó đòi và ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền của công ty.
Về biện pháp khắc phục, TTF cho biết, đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 2.268 tỷ đồng và 72 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 41% và 29 lần so với năm 2021.
Doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác trong mảng xuất khẩu với các khách hàng lớn để tăng trưởng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận; đồng thời hợp tác với các nhà phát triển bất động sản lớn trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài để triển khai các sản phẩm nội thất và đa dạng hóa tệp khách hàng.
TTF sẽ tiếp tục nâng công suất dự kiến tất cả nhà máy tại Bình Dương từ 100 tỷ đồng/tháng lên 140 tỷ đồng/tháng để đáp ứng nhu cầu tăng cao của các đơn hàng trong năm 2022; đồng thời thuê lại nhà máy ván MDF/PB tại Bình Dương với công suất 90,000 m3 MDF và 50,000 m3/tháng để tự chủ nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy tại Bình Dương và đáp ứng nhu cầu của các nhà máy khác ngoài hệ thống.
Đáng chú ý, TTF sẽ chào bán 41,12 triệu cổ phiếu riêng lẻ, dự kiến thu về hơn 411 tỷ đồng trong năm 2022. Toàn bộ số tiền thu được sẽ bổ sung vốn lưu động sản xuất kinh doanh. Một phương án khác được nhắc tới là việc TTF sẽ gia hạn hiệu lực thỏa thuận chỉ định nhà cung cấp chiến lược về nội thất giữa TTF và Vingroup đến ngày 15/5/2027.
Theo đó, khoản tiền 1,032 tỷ đồng TTF đã nhận đặt cọc từ Vingroup theo thỏa thuận đặt cọc kèm theo cũng được gia hạn đến ngày trên. "Vì vậy, tài sản ngắn hạn của TTF không còn vượt nợ phải trả ngắn hạn, khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của Công ty được đảm bảo", TTF cho hay.
Về kết quả kinh doanh, quý I/2022, TTF ghi nhận doanh thu tăng 71,7% so với cùng kỳ lên 536,29 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 18,54 tỷ đồng, cải thiện hơn so với khoản lỗ 39,28 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Dù có lãi nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TTF lại âm 9,8 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 44,4 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế đến hơn 3.037 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2022. Đáng chú ý, TTF còn trong tình trạng mất cân đối tài chính khi nợ ngắn hạn (2.259 tỷ) đã vượt hơn 373 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn (1.886 tỷ đồng) thời điểm 31/3.
Tính đến hết quý I, tổng tài sản của TTF giảm 2,1% so với đầu năm về 2.780 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 890 tỷ đồng, chiếm 32% và các khoản phải thu ngắn hạn đạt 441,7 tỷ đồng, chiếm 15,9% tổng tài sản.
Trước đó, trong báo cáo kiểm toán năm 2021, kiểm toán cũng đã nhấn mạnh nhóm công ty gánh chịu khoản lỗ lũy kế và tổng nợ phải trả ngắn hạn nhóm công ty cũng vượt hơn tổng tài sản ngắn hạn. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty.
Có thể bạn quan tâm
TTF khắc phục việc cổ phiếu bị cảnh báo bằng cách nào?
16:45, 05/05/2022
Đầu tư ra nước ngoài, TTF đang dần hiện thực hóa “giấc mơ” 1 tỷ USD
05:00, 20/02/2022
Những đại gia “giải cứu” TTF trong đợt phát hành mới
04:50, 13/12/2021
TTF được chấp thuận chào bán cổ phiếu riêng lẻ
05:00, 27/11/2021
Tránh "án" hủy niêm yết TTF, "trùm giải cứu" Mai Hữu Tín sẽ làm gì?
11:00, 16/09/2021