Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát trong thời gian qua còn thấp. Trên thực tế, để xảy ra tham nhũng rồi tìm cách thu hồi chẳng khác gì chuyện “thả gà ra mà đuổi”.
Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm cần khẩn trương xét xử 5 đại án về tham nhũng, kinh tế.
Khi các vụ án này chuẩn bị mang ra xét xử, một lần nữa, các vấn đề liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng lại được mang ra bàn luận.
Bài học nhãn tiền
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây thiệt hại lớn cho Nhà nước nhưng mới thu hồi được những khoản tiền bồi thường “nhỏ giọt”.
Như vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines và đồng phạm phải bồi thường 110 tỷ đồng, nhưng mới thi hành được trên 21 tỷ đồng. Vụ "đại án" kinh tế Huỳnh Thị Huyền Như, tòa tuyên án bị cáo phải sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định, chỉ thu về cho Nhà nước được hơn 500 tỷ đồng. Hay như bị cáo Đinh La Thăng mới chỉ nộp được 4,5 tỉ đồng trên tổng số 630 tỉ đồng phải thi hành trong 2 vụ án. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam cũng mới chỉ thi hành xong 31 tỉ đồng trong tổng số bồi thường là 122 tỉ đồng, còn 91 tỉ đồng phải nộp chưa thu hồi được....
Trên thực tế, nguyên nhân dẫn đến câu chuyện này có nhiều, có thể từ thể chế, hay do năng lực chỉ đạo, điều hành, yếu tố con người... trong đó không thể không kể đến nguyên nhân do các biện pháp để đảm bảo công tác thu hồi chưa kịp thời. Đối với cơ quan thi hành án, chỉ khi có bản án thì mới tiến hành thu hồi tài sản. Thế nhưng, trong cả giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, nếu không có biện pháp đảm bảo thu hồi được tài sản thì sẽ rất khó xử lý.
Cùng với đó, công tác thi hành án liên quan đến nhiều thủ tục, thuộc nhiều cơ quan, bởi vì tài sản của các đối tượng phạm tội không chỉ có tiền, mà còn có thể là cổ phiếu, nhà đất và nhiều thứ khác. Việc kê biên, định giá tài sản, thẩm định giá... là cả một câu chuyện phức tạp, hơn nữa trình tự thủ tục hiện nay cũng khá rắc rối, bất hợp lý nên thời gian bị kéo dài.
Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thấp còn có nguyên nhân từ yếu tố con người, do trình độ, năng lực của cán bộ tham gia quá trình thu hồi không đạt, thậm chí không loại trừ cả biểu hiện tiêu cực.
Có nguyên nhân từ thể chế, chỉ đạo điều hành, nguyên nhân từ con người khiến công tác thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn, mặc dù hiện nay tỷ lệ thu hồi đã tăng lên nhiều, như trước kia chỉ thu hồi được 5%, 7%, hiện nay thu hồi được gần 70%, tuy nhiên vẫn còn hơn 30% không thu hồi được là một con số rất cao. Như ông Đinh La Thăng phải nộp lại hơn 800 tỷ đồng trong 4 vụ án, nhưng ông ấy chỉ có một cái nhà 4,5 tỷ; như Trịnh Xuân Thanh mới thu hồi được 1/4, như vậy số còn lại là rất lớn.
Thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào?
“Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ 1 đồng!”. Đó là tuyên bố đanh thép và lạnh lùng của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee.
Với sự liêm chính và kỷ luật sắt trong việc bảo vệ tài sản công, vị Tổng thống này đã xây dựng được nền tảng vật chất và kỹ thuật cho sự cất cánh của đất nước kim chi.
Ngày nay, Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia phát triển và thịnh vượng nhất trên thế giới. Bên cạnh cơ sở vật chất-kỹ thuật, một di sản khác của Tổng thống Park Chung-hee còn phát huy tác dụng lâu dài hơn cho dân, cho nước.
Đó chính là sự liêm chính và trong sạch của bộ máy công quyền. Có lẽ, đây chính là lý do tại sao Hàn Quốc vẫn tiếp tục có những thành công vượt bậc trong suốt hàng chục năm qua.
So với sự hà khắc của Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, những hình phạt được đưa ra cho các quan chức ăn cắp của công ở nước ta thời gian vừa qua mặc dù đã nghiêm khắc hơn, nhưng có vẻ vẫn nhân đạo và mềm mại hơn nhiều.
Không ít quan chức ăn cắp của công không chỉ một đồng, mà hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng.
Thế nhưng, trên thực tế, chưa quan chức nào bị đem bắn cả. Đáng băn khoăn hơn có lẽ không hẳn là hình phạt, mà là tình trạng tài sản công bị tham nhũng không thu hồi được hoặc thu hồi được không đáng kể.
Khi đất nước còn oằn lưng gánh nợ, khi xây dựng cơ sở hạ tầng còn thiếu trước, hụt sau, thì đây là tình trạng khó có thể chất nhận được.
Rủi ro hơn, tình trạng này còn khuyến khích tâm lý “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Với tâm lý như vậy, nạn tham nhũng càng khó bị ngăn chặn hơn.
Công bằng mà nói, trong các vụ án gần đây, đặc biệt là vụ Mobiphone mua AVG, tỷ lệ tài sản công được thu hồi đã đạt mức khá cao. Có vẻ như chính sách trả lại tiền để được giảm mức án đã phát huy tác dụng. Thu hồi cho bằng được tài sản công bị tham nhũng phải là đòi hỏi trước tiên của công lý.
Tất nhiên, trả lại tiền để được giảm án không phải là dùng tiền để mua công lý. Hoàn trả tài sản tham nhũng chỉ là một tình tiết giảm nhẹ, đã phạm tội tham nhũng thì phải bị trừng phạt. Đó là công lý!
Thực ra, để xảy ra tham nhũng rồi tìm cách thu hồi chẳng khác gì chuyện "thả gà ra mà đuổi". Có cố mấy thì thu hồi cho hết tài sản công bị ăn cắp vẫn sẽ rất khó khăn.
Quan trọng hơn là xây dựng cho được một bộ máy công quyền liêm chính và trong sạch. Đối với một đất nước mà phần lớn các nguồn lực to lớn như đất đai, tài nguyên thiên nhiên… đều nằm trong tay Nhà nước như Việt Nam ta, thì đây càng là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Áp đặt kỷ luật sắt trong việc bảo vệ tài sản công và lựa chọn những người liêm chính, trong sạch nhất làm quan chức đòi hỏi tối thiểu để có một bộ máy công quyền như vậy.
Có thể bạn quan tâm
11:10, 22/06/2021
18:42, 12/01/2021
05:00, 18/09/2019