Giáo dục đang trở thành "điểm nóng" của hoạt động đầu tư khởi nghiệp, khi gần đây lần lượt các startup trong lĩnh vực giáo dục đều gọi vốn thành công...
Báo cáo khởi nghiệp sáng tạo năm 2019 từ Cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia (Austrade) cho hay, Việt Nam đang là quốc gia có số lượng startup nhiều thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, giai đoạn từ 2012-2017, Việt Nam tăng trưởng "phi mã" về số lượng startup, từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017.
Giáo dục, thanh toán điện tử và Blockchain hiện là 3 lĩnh vực đầu tư triển vọng tại Việt Nam được phía Austrade chỉ ra. Trong đó, giáo dục đang trở thành "điểm nóng" của hoạt động đầu tư khởi nghiệp, khi gần đây lần lượt các startup trong lĩnh vực giáo dục như: ELSA, MindX, Everest Education… đều gọi vốn thành công từ quỹ ngoại.
Làn sóng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam hứa hẹn sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển cho ngành giáo dục nước nhà.
Trong đó, VietFuture - một startup hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đến nay đã được 5 năm tuổi, thay vì tập trung đào tạo các kiến thức phổ thông như: Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh…, lại chọn hướng đào tạo thái độ và kỹ năng sống. Tại nhiều quốc gia phát triển, tên gọi khác của lĩnh vực đào tạo này là "After School" (tạm dịch: ngoài giờ học).
"Từ những năm 2014-2015, mô hình giáo dục After School đã nhen nhóm trở thành xu hướng ở Việt Nam. Mô hình này không tập trung vào kiến thức hay trình độ, mà là giáo dục thái độ, hành vi, ứng xử, cũng như kỹ năng cho học viên", ông Chu Huy Hoàng - CEO VietFuture chia sẻ.
Thời gian đầu, "After School" chỉ được coi là môn học phụ đạo, chiếm khoảng 1% trong bức tranh tổng thể nền giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động thực tế tại các doanh nghiệp cho thấy, những kĩ năng được đào tạo lại rất cần thiết và quan trọng với các ứng viên, thay vì chỉ có kiến thức lý thuyết và bằng cấp như hiện nay.
"Nếu so sánh hai nhân viên có trình độ và bằng cấp ngang nhau, chắc chắn người được chọn sẽ có thái độ, hành vi, và kĩ năng sống tốt hơn. Trong khi đó, người Việt nói chung đang thiếu những kĩ năng như vậy. Để đến khi đi làm mới đào tạo thì quá muộn, tại sao chúng ta không làm điều đó cho con trẻ", CEO Chu Huy Hoàng nói về ý tưởng ra đời của hệ thống giáo dục VietFuture.
Từ đây, hệ thống giáo dục VietFuture chính thức được thành lập. Hiện tại, sau khoảng 5 năm khởi nghiệp, VietFuture đã vận hành được 4 chi nhánh trên toàn quốc, hoàn thành tổ chức hơn 700 khóa học, với hơn 25.000 học viên tốt nghiệp.
Được đánh giá là một trong những hệ thống giáo dục đi đầu và thành công trong lĩnh vực "After School", nhưng ít ai biết rằng, VietFuture cũng từng có thời điểm đứng trước bờ vực phá sản.
"Giai đoạn năm 2016, khi startup đang cạn kiệt về nguồn vốn, chúng tôi ngồi với nhau và đưa ra một quyết định liều lĩnh là mở thêm chi nhánh tại Tp.HCM, bất chấp những khó khăn, thách thức phía trước. Sau này, thành công đến với VietFuture khi mở thêm 2 chi nhánh khác cũng tại Tp.HCM và Hải Phòng. Tất cả cũng vì 3 chữ: thái độ tốt", ông Chu Huy Hoàng nói.
Ông kể, thời gian đầu chi nhánh ở Tp.HCM chỉ là một văn phòng chừng 30m2, không bàn ghế, hay máy móc nhưng VietFuture đã được nhiều phụ huynh đón nhận. Lý do là bởi startup này đã tìm và giải được bài toán cốt lõi của giáo dục "After School", biến một môn học vốn bị coi là "phụ đạo" thành kĩ năng, khóa học không thể thiếu với trẻ con Việt Nam, đặc biệt là những đứa trẻ ở thành thị.
Không riêng gì giáo dục, mà bất kể ngành nghề kinh doanh nào cũng cần có định lượng. Nếu các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh có thể dễ dàng định lượng bằng thang điểm, thì "After School" đánh giá qua kĩ năng, thái độ. Nhưng đây không phải là điều đơn giản.
"Thực tế là rất khó để chứng minh sau khi tham gia vào VietFuture, con trẻ sẽ tự tin, năng động, hay biết chịu trách nhiệm hơn. Liên tục tư duy và nghiên cứu, chúng tôi cho rằng, thái độ có thể nhận biết và định lượng thông qua hành vi. Để cho thấy các học viên của VietFuture đang trở nên tự tin hơn, chúng tôi chia các hành vi thể hiện sự tự tin qua 4 cấp độ, mô tả và đặt mục tiêu cho hành vi đó", vị CEO trẻ tuổi giải thích.
Không chỉ chứng minh được tính hiệu quả trong giáo dục, VietFuture còn ngày càng nhận được sự tin tưởng của phụ huynh gửi gắm con trẻ, khi doanh thu từ các khóa học dài hạn chiếm trên 50% tổng doanh thu cả chuỗi.
"Thành tựu lớn nhất của chúng tôi không phải là dạy được cho bao nhiêu học viên, mà phải là gắn kết được bao nhiêu gia đình. Càng làm sâu về giáo dục, chúng tôi nhận ra cái bẫy mà nhiều phụ huynh đang gặp phải là kỳ vọng quá cao vào con cái. Trong khi thực tế, họ lại không nắm được tâm lý con mình. Chính từ sự bất đồng trong tư duy, phụ huynh càng khiến con mình không được phát triển đúng cách", ông Chu Huy Hoàng nói.
Ông cũng cho biết, giáo dục về nhận thức, hành vi chỉ là bước đầu, ở bước sau, VietFuture muốn xây dựng những lộ trình dài hơi và chuyên sâu hơn cho các học viên của mình.
Thời gian gần đây, startup đã nhận được nhiều lời đề nghị rót vốn triệu USD từ các cá nhân, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, VietFuture vẫn đang thận trọng và cân nhắc các nhà đầu tư có am hiểu về ngành nghề, có tâm với lĩnh vực giáo dục, cũng như hỗ trợ được doanh nghiệp trong việc hoàn thiện yếu tố công nghệ còn thiếu.