Chúng ta đang tiếp thu tốt bài học lịch sử để lại. Với tinh thần dân tộc, toàn dân Việt Nam bước vào cuộc chiến chống “giặc” COVID-19 lần 2 và đã từng bước đạt kết quả khả quan.
Cách đây 75 năm về trước, tinh thần dân tộc Việt đã trỗi dậy mạnh mẽ để Việt Nam có ngày Độc lập 2/9/1945, quả là một giai đoạn không bao giờ quên trong lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử thế giới nói chung. Bởi, đó là ngày ghi nhận sự kiện một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời.
Ngày 2/9/1945, trên quảng trường Ba Đình lịch sử ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới nước Việt Nam độc lập và nhân dân Việt Nam quyết làm tất cả để bảo vệ nền độc lập ấy, bảo vệ quyền được sống làm người, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc.
Bản Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện mạnh mẽ ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”
Còn nhớ, năm 1945 với 20 triệu đồng bào mà người Việt đã thực hiện cuộc bẻ gãy xiềng xích của hàng nghìn năm phong kiến, cắt bỏ hơn 80 năm đô hộ, quàng cổ của đám thực dân như một chấn động lịch sử, ghi tên một nước Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Đây là đỉnh cao của việc chớp thời cơ và đoàn kết dân tộc. Không phải một Đảng nào, không phải một dân tộc nào cũng làm được điều đó. Đó là câu trả lời vì sao cũng một tình thế giống nhau, nhưng chỉ một Việt Nam làm cách mạng giải phóng dân tộc thành công ở khu vực.
Nói vậy vì, Cách mạng Tháng Tám và Lễ Độc lập chỉ có thể thực hiện thành công trong khoảng thời gian 22 ngày ấy. Nếu Tổng khởi nghĩa diễn ra trước ngày 12/8/1945 sẽ không được vì khi ấy phát xít Nhật vẫn còn khá mạnh, chưa chịu ngừng bắn và đầu hàng quân Đồng minh. Còn nếu Lễ Độc lập tuyên bố và khẳng định chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra muộn hơn sau ngày 2/9/1945 cũng không được vì khi ấy quân Anh và quân Tưởng đã vào nước ta giải giáp, tiếp quản chính quyền từ tay quân Nhật.
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân ta chớp thời cơ, vận dụng và tận dụng thời cơ để tiến hành thành công Cách mạng tháng Tám và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng chính là tiếp nối bài học lịch sử truyền thống hào hùng của ông cha về “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Thực tiễn đó cũng minh chứng, có thời đại nào của Việt Nam mà không được thành lập nên từ sức dân, không tạo nên bằng lòng dân và phát triển vì nhân dân. Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, người Việt cũng đều phải tự chủ “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”.
Đến hôm nay, chúng ta cũng đang tiếp thu tốt những phương châm, bài học lịch sử để lại. Tại cuộc họp Bộ Chính trị và các bộ, ban, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời kêu gọi toàn quân, toàn dân chính thức bước vào “thời chiến” – cuộc chiến chống “giặc” COVID-19. Kể từ thời điểm đó, tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị… đều hoạt động như “thời chiến”.
“Việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay…huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh COVID-19; đồng thời nỗ lực vươt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ: “Nếu chúng ta chậm trễ, dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng ta; nếu chúng ta không kịp thời, không nhanh chóng thì dịch bệnh sẽ lây lan cấp số nhân, lũy thừa”.
Chính vì sự đoàn kết dân tộc mà, khi dịch bệnh xuất hiện, trong các tình thế khó khăn, thì các cấp, các ngành mỗi người dân đã nhanh chóng kịp thời san sẻ gánh nặng bằng hàng trăm, hàng ngàn việc làm ý nghĩa, nhân văn ở từng địa phương. Họ cùng với hàng ngàn y, bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an, cán bộ trực tiếp tham gia chống dịch ở tuyến đầu đã không quản ngày đêm kiên trì, bám trụ “trận địa”.
Có những con người vì đất nước mà sẵn sàng ăn vội bữa cơm, ngủ không đủ giấc, chỗ tạm nghỉ tạm bợ, để bảo vệ sức khoẻ người dân, nhường chỗ cách ly cho người dân. Sự hi sinh thầm lặng trong suốt thời điểm từ dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam đã truyền tới năng lượng sống cho các bệnh nhân, những người đang ở trong các khu vực cách ly và lan tỏa giá trị để mỗi người.
Kết quả của công tác phòng chống dịch bệnh hôm nay, trong lịch sử của ngày mai sẽ được viết lên bởi chính là do người dân. Do chính những người đứng đầu bộ máy Chính trị, hệ thống Chính phủ đã lấy dân làm gốc, biết giữ vững vai trò trong tư tưởng của người dân là “Lấy dân làm gốc”.
Đúng như Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã khẳng định “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, T 8, tr.276).
Có thể nói, trong hơn 7 thập kỷ vừa qua, độc lập, tự do, hạnh phúc luôn là khát vọng cháy bỏng và là nguồn động lực to lớn để muôn người dân Việt Nam vượt qua khó khăn, gian khổ, tay nắm chặt tay, cùng nhau tiến bước dưới cờ đỏ sao vàng, phấn đấu vì nền độc lập dân tộc, vì sự phát triển thịnh vượng, phồn vinh, vì hạnh phúc của muôn nhà và góp phần cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Và tinh thần của ngày Quốc khánh càng hun đúc thêm cho một Việt Nam tiến lên. Một Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ vào khí chất dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận, trên dưới một lòng.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 24/08/2020
07:07, 21/08/2020
05:00, 21/08/2020
05:00, 20/08/2020
11:05, 15/08/2020
13:00, 11/08/2020