Không phải ngẫu nhiên mà tại hai diễn đàn về cải cách và phát triển Việt Nam là VBF và VRDF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều “kiên trì lắng nghe các ý kiến phê bình, xây dựng”.
Các kiến nghị đều rất đa dạng, từ cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường đến công nghệ đều được đặt lên bàn nghị sự.
Thủ tướng, như lời Bộ trưởng Bộ KH&ĐT giới thiệu, “với trái tim nóng bỏng ngọn lửa cải cách”, đã rất trân quý các ý kiến và coi đó như là những nguồn động viên để Chính phủ tiếp tục hành động, đổi mới. Bởi thật ra, từ cuối 2015, khi ĐH Đảng lần thứ XII sắp được tiến hành, ai cũng đều nhận ra rằng: những động lực của 30 năm ĐỔI MỚI đã tới hạn và cần có những động lực mới.
Định vị mục tiêu
Cũng kể từ sau Đại hội XII, cả hệ thống chính trị đã thể nghiệm những định hướng của ĐH XII về phát triển kinh tế - xã hội bằng những hành động cụ thể. Từ việc rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách DNNN cho đến tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và xây dựng thể chế thông qua các đạo luật được trình ra Quốc hội. Đồng thời với đó là tiến trình hội nhập quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ hơn qua hàng loạt các FTA.
Có thể nói, trong gần 3 năm ở cương vị Thủ tướng, Việt Nam đang chuẩn bị rất tốt cho việc chuyển sang chu kỳ Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mới. Thủ tướng thể hiện khát vọng năm 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm lập quốc, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 10.000 USD. Mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình thực ra đã được Báo cáo Việt Nam 2035 điểm tới, nhưng rõ ràng, thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ như báo cáo 2035 cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
Thủ tướng cam kết rằng: tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xác định nhân lực là chìa khóa vàng cho sự thành công trong tương lai theo hướng con người là trung tâm, vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển và ưu tiên đầu tư cho hạ tầng.
Đây là một cam kết mạnh mẽ với không chỉ các đối tác phát triển tại VRDF hay VBF, mà còn là một tuyên bố chính trị có tính định hướng cho cả nền kinh tế. Đương nhiên, chỉ thế thôi là chưa đủ. Thủ tướng cũng đề cập đến việc thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 cũng như phát huy khu vực kinh tế tư nhân, đòn bẩy quan trọng của nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
01:32, 07/12/2018
13:05, 05/12/2018
12:50, 05/12/2018
12:15, 05/12/2018
11:54, 05/12/2018
Hóa giải điểm nghẽn
Tóm lại, sự thống nhất từ Chính phủ tới cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác phát triển đã cho thấy: Việt Nam cần kiến tạo nên 4 trụ cột để thực sự cải cách và phát triển đất nước.
Đầu tiên khu vực tư nhân. Có lẽ không chỉ là kinh tế tư nhân, mà vai trò của tư nhân phải ngày càng được củng cố và nâng cao trong cả khu vực công theo đúng tinh thần mà Chính phủ và Thủ tướng nhiều lần nhắc: “Lĩnh vực gì tư nhân làm được thì nhà nước không làm”. Hẳn nhiên, trong lĩnh vực này, kinh tế tư nhân, như ĐH XII đã xác định, là một động lực quan trọng của nền kinh tế, phải được quan tâm thúc đẩy để tạo ra sự thịnh vượng về vật chất. Bởi chính kinh tế tư nhân sẽ luôn là đòn bẩy làm tăng năng xuất lao động và tăng trưởng kinh tế cách thực chất hơn. Đương nhiên, điều này đòi hỏi cần phải có một môi trường pháp lý an toàn, khả tín để cùng với môi trường kinh doanh thuận lợi, kinh tế tư nhân nói riêng và khu vực tư nhân nói chung làm tròn sứ mệnh của mình.
Chính phủ sẽ chuẩn bị một Chiến lược phát triển mới cho thời kỳ 2021 - 2030 và chuẩn bị các chương trình nghị sự, đặt nền móng hướng tới tầm nhìn 2045.
Thứ hai, nguồn nhân lực được coi là một vốn quý và dân số Việt Nam, như nhiều chuyên gia, lãnh đạo đã thừa nhận, đang ở thời điểm vàng. Không thể không đầu tư để vốn nhân lực này “mạnh khỏe”, có tư duy độc lập, có khả năng sáng tạo và thích ứng với những thay đổi của công nghệ từng giây từng phút. Sự biến chuyển của công nghệ hay cuộc cách mạng công nghệ không bao giờ chờ đợi những đổi mới với “tốc độ hành chính” như thời gian vừa qua. Đại học hay dạy nghề không phải là vấn đề tiên quyết bằng triết thuyết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Trụ cột thứ ba cần nhắc tới chính là cơ sở hạ tầng. Bởi chính cơ sở hạ tầng sẽ làm quá trình luân chuyển các giá trị diễn ra nhanh hơn. Cả Thủ tướng và WB đều nhắc tới những “công trình hạ tầng cụ thể” như các dự án đường bộ, hàng không, hải cảng… nhưng yêu cầu phải nằm trong tổng thể chiến lược và đặc biệt quan tâm về chất lượng. Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư PPP có thể là một chìa khóa mà Bộ KH - ĐT đang soạn thảo, nhưng rõ ràng vấn đề tài chính, tuy quan trọng, nhưng nó không thể làm thay nhân tố thể chế, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình mà lẽ ra phải thuộc về bản chất của nhà nước. Nhà nước phải hội đủ các yếu tố đó, thì không chỉ hạ tầng cụ thể, mà ngay cả hạ tầng xã hội cũng sẽ được kiện toàn và là mảnh đất tốt nảy nở thịnh vượng, công bằng.
Trong quá trình phát triển, rõ ràng có những thức bị ảnh hưởng hoặc đánh đổi. Dẫu các lãnh đạo từ trước tới nay đều tuyên bố “không đánh đổi môi trường bằng mọi giá để phát triển”. Nhưng các sự cố môi trường và tính liên quan mật thiết của nó tới xã hội, kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực không thể không coi môi trường là trụ cột thứ 4. Thực tế, chính yếu tố môi trường đang ngày càng tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và tăng trưởng trong dài hạn.
Và cuối cùng, có lẽ cần nhắc lại khuyến nghị của ông Ousmane Dione, Đại diện WB tại Việt Nam: “Cần những thể chế của nhà nước có năng lực và hiệu quả”.