Tuân thủ thuế là nghĩa vụ và cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện đúng các quy định về thuế, góp phần đảm bảo nguồn thu cho NSNN.
>> Chính phủ đề xuất kéo dài giảm thuế VAT 2% hết năm 2024 hỗ trợ doanh nghiệp
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân).
Phát biểu tại Hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số”, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam, vì vậy tuân thủ pháp luật thuế là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, cá nhân. Việc tổ chức một bộ phận quản lý tuân thủ người nộp thuế tập trung, thống nhất, chuyên sâu sẽ tạo động lực cho cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế và nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế (NNT).
Ông Đặng Ngọc Minh cho rằng, việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống do tính phức tạp, tính đa dạng và tính toàn cầu của các hoạt động kinh tế. Các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số, khiến cho việc theo dõi, kiểm soát và quản lý trở nên khó khăn hơn. Do vậy, đòi hỏi cần có những giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả để đảm bảo nguồn thu cho NSNN.
Để bắt kịp với xu thế đó và trước yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành Thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số Quốc gia nói chung, ngành Thuế đã bắt tay vào nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới dựa trên phân tích dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ pháp luật thuế.
Cụ thể, ngành Thuế đã tổ chức triển khai hiệu quả công tác thu thập, phân tích dữ liệu HĐĐT nói riêng, dữ liệu quản lý thuế nói chung; thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đối soát dữ liệu lớn với HĐĐT, xây dựng chức năng cảnh báo xuất hoá đơn vượt ngưỡng an toàn.
Đồng thời, bước đầu nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu HĐĐT để phát hiện rủi ro giá bất thường, chuỗi mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế GTGT, phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các doanh nghiệp trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ (mua bán lòng vòng, chỉ mua không bán, chỉ bán không mua, xuất khống hóa đơn...).
Chia sẻ về công tác quản lý tuân thủ thuế tại Nhật Bản, ông Noguchi Daisuke - Chuyên gia JICA tại Việt Nam cho biết, duy trì và nâng cao tính tuân thủ thuế của doanh nghiệp lớn là vô cùng quan trọng để duy trì và nâng cao tuân thủ thuế trên cả nước. Do đó, việc nâng cao tính tuân thủ thuế của doanh nghiệp lớn là biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Theo đó, cơ quan thuế Nhật Bản đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị thuế trong doanh nghiệp sẽ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế. Cụ thể, đối với doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro về thuế (rủi ro do xử lý kế toán không phù hợp trong doanh nghiệp); nếu hệ thống quản trị thuế trong doanh nghiệp tốt thì có thể giảm thiểu gánh nặng ứng phó với thanh tra thuế.
Đối với cơ quan thuế, có thể tập trung nguồn lực thanh tra cho các doanh nghiệp có mức độ cần thanh tra cao. Về cách tiếp cận dựa trên rủi ro, cơ quan thuế Nhật Bản tập trung phân tích các yếu tố như tình hình quản trị thuế trong doanh nghiệp, nội dung hoạt động kinh doanh, nội dung kê khai/quyết toán, các vấn đề được chỉ ra trong thanh tra thuế và tình hình cải thiện. Nhận định về rủi ro trên cơ sở đánh giá đó, lựa chọn đối tượng thanh tra dựa trên rủi ro và phân bổ nguồn lực phù hợp…
TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, kinh tế số Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Điều đó gây ra thách thức trong quản lý thuế như chuyển đổi số toàn diện ngành Thuế; kiểm soát, chống gian lận HĐĐT.
Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, ông Nguyễn Như Quỳnh cho rằng cần hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số; phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; phát triển dữ liệu số và quản lý rủi ro.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, quản lý tuân thủ thuế đang là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh chuyển đổi số.
Cụ thể, tại Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/4/2022 về phê duyệt “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” đã đặt mục tiêu, hệ thống chính sách thuế được hoàn thiện, đồng bộ, cơ cấu lại thu NSNN đảm bảo tính bền vững, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng: Mở rộng cơ sở thuế; huy động hợp lý nguồn lực cho NSNN, đảm bảo tính đồng bộ, công bằng, trung lập của chính sách thuế; đơn giản, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Các chính sách thuế chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật về thuế và được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính nhất quán về hiệu lực pháp lý giữa các luật thuế và các văn bản pháp luật có liên quan.
Thể chế quản lý thuế tiếp tục hoàn thiện để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ quan thuế Việt Nam hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, đủ năng lực để thực hiện và quản lý tốt các mục tiêu và nội dung cải cách hệ thống thuế đã đề ra.
Bà Cúc cho rằng, chất lượng của công tác quản lý thuế của cơ quan thuế tỷ lệ thuận với ý thức tuân thủ của NNT. Quản lý thuế càng tốt, tính tuân thủ càng cao thì sẽ tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.
“Với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, số lượng NNT ngày càng tăng, hoạt động ngày càng phức tạp, vai trò của phân tích rủi ro quản lý tuân thủ NNT càng quan trọng. Theo đó, công tác quản lý rủi ro, tăng cường tính tuân thủ cần được tăng cường, cần được thực hiện quyết liệt” - bà Nguyễn Thị Cúc nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm