Tuân thủ thuế - Cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quản lý

YẾN NHUNG 22/05/2024 04:00

Để đảm bảo công tác quản lý, tuân thủ thuế trong nền kinh tế số, theo chuyên gia, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu thông tin quản lý tuân thủ tổng thể, toàn diện phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội.

>> Mỹ tăng thuế với Trung Quốc: "Bóng ma" lạm phát sẽ quay lại?

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh. Trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam.

tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh - Ảnh minh họa: ITN

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh - Ảnh minh họa: ITN

Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ của internet và các nền tảng số, đã tạo ra một nền kinh tế số đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Trong đó, việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống do tính phức tạp, tính đa dạng và tính toàn cầu của các hoạt động kinh tế. Các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số, khiến cho việc theo dõi, kiểm soát và quản lý trở nên khó khăn hơn.

Xoay quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế số Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Điều đó gây ra thách thức trong quản lý thuế như cần chuyển đổi số toàn diện ngành thuế; kiểm soát, chống gian lận hóa đơn điện tử. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, cần kết hợp nhiều giải pháp

Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, chất lượng của công tác quản lý thuế của cơ quan thuế tỷ lệ thuận với ý thức tuân thủ của người nộp thuế. Quản lý thuế càng tốt, tính tuân thủ càng cao thì sẽ tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.

Chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, cần kết hợp nhiều giải pháp - Ảnh minh họa: ITN

Chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, cần kết hợp nhiều giải pháp - Ảnh minh họa: ITN

“Với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, hoạt động ngày càng phức tạp, vai trò của phân tích rủi ro quản lý tuân thủ người nộp thuế càng quan trọng. Theo đó, công tác quản lý rủi ro, tăng cường tính tuân thủ cần được thực hiện quyết liệt”, bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ.

Hơn nữa, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới sẽ áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ tổng thể theo định hướng, hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý tuân thủ tổng thể tại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế theo nguyên tắc phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ về thuế. Đồng thời, xây dựng một cơ sở dữ liệu thông tin quản lý tuân thủ tổng thể, toàn diện với các công cụ thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển của công nghệ đáp ứng yêu cầu quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao hiệu quả quản lý.

Ngoài ra, triển khai xây dựng “Hệ thống ứng dụng cơ sở dữ liệu và phân tích rủi ro tổng thể” trên cơ sở nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích dữ liệu số lớn, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, học máy vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ người nộp thuế.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để cải thiện việc quản lý thuế theo phương pháp quản lý rủi ro tại Việt Nam, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá rủi ro theo hướng cập nhật, bổ sung các tiêu chí, chỉ số đánh giá rủi ro mới phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội, diễn biến vi phạm luật thuế. Cùng với đó, áp dụng các phương pháp đánh giá rủi ro tiên tiến, khoa học hơn như: phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo...

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Noguchi Daisuke, chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam khuyến nghị, cơ quan thuế cần tập trung nguồn lực thanh tra cho các doanh nghiệp có mức độ cần thanh tra cao.

“Về cách tiếp cận dựa trên rủi ro, cơ quan thuế Nhật Bản tập trung phân tích các yếu tố như tình hình quản trị thuế trong doanh nghiệp, nội dung hoạt động kinh doanh, nội dung kê khai, quyết toán, các vấn đề được chỉ ra trong thanh tra thuế và tình hình cải thiện. Trên cơ sở đánh giá đó, lựa chọn đối tượng thanh tra dựa trên rủi ro và phân bổ nguồn lực phù hợp…”, chuyên gia của JICA chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ tăng thuế với Trung Quốc:

    Mỹ tăng thuế với Trung Quốc: "Bóng ma" lạm phát sẽ quay lại?

    04:00, 21/05/2024

  • Vì sao AGM bị thu hồi hơn 45 tỷ đồng tiền hoàn thuế?

    Vì sao AGM bị thu hồi hơn 45 tỷ đồng tiền hoàn thuế?

    03:37, 21/05/2024

  • Doanh nghiệp châu Á tìm cách đối phó với việc tăng thuế của Mỹ

    Doanh nghiệp châu Á tìm cách đối phó với việc tăng thuế của Mỹ

    03:00, 21/05/2024

  • Mỹ đánh thuế “khủng”, xe điện Trung Quốc sẽ về đâu?

    Mỹ đánh thuế “khủng”, xe điện Trung Quốc sẽ về đâu?

    04:00, 20/05/2024

  • Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc bảo đảm tính minh bạch, thống nhất

    Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc bảo đảm tính minh bạch, thống nhất

    03:30, 20/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tuân thủ thuế - Cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO