Làm sao tránh tình trạng người già ôm việc, tuổi trẻ ngồi chơi? Ai ở lại, ai phải về, thậm chí về sớm...? Đó là chốt mấu quan trọng mà chính sách tăng tuổi nghỉ hưu cần lưu tâm.
Người quen cũ của tôi là một lãnh đạo “hòm hòm” cấp Quận, lúc trẻ ông từng được bổ nhiệm, điều động đến nhiều cơ quan, sau nhiều năm chính chiến, trước lúc đạt ngưỡng tuổi “hết quy hoạch” ông được phân công đến làm “trưởng” một cơ quan khá “nhẹ nhàng”.
Tâm và thế của những người trước lúc về hưu khá thú vị, họ không còn cấp tập với thành tích, kết quả, họ khoan thai trước mọi diễn biến nhân sự mà trước đây - lúc còn trẻ họ rất quan tâm.
Đến cái tuổi xế chiều họ không còn quan tâm ai nói gì về mình, có thể đi làm muộn một chút, về sớm một chút, dường như bao dung hơn với cấp dưới. Quả thật họ như cây đa cây đề trải qua mọi dông bão trong cuộc đời làm chính trị. Tôi nghĩ rằng, họ dường như không còn động lực.
Với hầu hết người sắp sửa nghỉ hưu không còn được giao “trọng trách”, một gánh nặng vô hình nào đó được trút bỏ, cứ nhẹ nhàng cho đến ngày nhận quyết định rời công sở.
Trong số những người ngấp nghé về hưu mà tôi từng biết, có người mới bắt đầu học đánh máy, chỉnh sửa văn bản, mày mò cách truy cập mạng, tải tài liệu…!
Kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ chính thức trình phương án kéo dài tuổi công tác, theo hai phương án:
Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Có thể bạn quan tâm
11:15, 30/05/2019
14:30, 29/05/2019
11:00, 22/05/2019
08:00, 20/05/2019
11:10, 15/05/2019
05:00, 02/05/2019
10:09, 30/04/2019
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trấn an dư luận rằng: “Việc điều chỉnh tuổi hưu, không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc”.
Nhưng đó cũng là một cách nói, không ai chắc chắn một bộ phận người làm lãnh đạo trong doanh nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước, các cơ quan có quyền lực lớn, dễ “lobby” không nương tựa chính sách này để bám trụ lại.
Về mặt phương pháp, khi tuổi già không nghỉ lấy đâu ra vị trí việc làm để tuyển dụng người mới? cơ hội nào cho tuổi trẻ tài cao? Kể cả khi người ở lại được cho là “trong sáng”.
Trong bối cảnh dân số trẻ, hơn 400 trường đại học, cao đẳng, học viện cho “ra lò” hàng vạn cử nhân, thạc sỹ mỗi năm, thất nghiệp tràn lan vì không có chỗ làm. Hàng chục dự án của các tập đoàn nhà nước thua lỗ triền miên, chắc chắn có nguyên nhân về con người yếu kém. Tại sao không gấp rút thay mới?
Trả lời Vietnamnet, ông Dung nói: “Hiện 46% người sau tuổi nghỉ hưu đang làm việc tiếp. Đến lúc này lực lượng lao động trẻ của chúng ta không dồi dào nữa. Tôi đã quan sát rất nhiều khu vực nông thôn, hiện nay chỉ còn người già và phụ nữ, không còn thanh niên trẻ nữa”.
Vâng, con người vẫn cứ làm việc cho đến khi nào không còn đi lại được, nhưng làm việc giải trí khác hoàn toàn với nhiệm vụ hoạch định chính sách, lãnh đạo nhân dân, quản lý hàng núi tiền của nhà nước…
Ông Dung nói đúng một điểm, hiện nay ở nông thôn chỉ có người già và trẻ em. Bởi vì tất cả đã ly hương về các khu công nghiệp ở thành phố lớn, bôn ba ở nước ngoài - họ bất đắc dĩ vì ở nông thôn không có việc làm, trong đó có tình trạng cử nhân đại học giấu bằng để được nhận vào làm công nhân!
Những người như vậy, nếu được trao cơ hội vào nhà nước không khác nào đổi đời đối với họ.
Dĩ nhiên, vị trí việc làm trong cơ quan nhà nước “không có chức năng” giải quyết tình trạng thất nghiệp tràn lan như hiện nay. Ở đó đang rất cần người tài, người có tâm huyết, ít tham lam.
Vì vậy, trước lúc có ý định kéo dài tuổi hưu nên thiết kế lại cơ chế sàng lọc, ai nên ở lại, ai nên cho về, thậm chí về sớm. Đó là khâu đánh giá cán bộ/con người - được xem khó nhất hiện nay.
Vì sao mấy năm nay xảy ra tình trạng phổ biến gian lận bằng cấp, năng lực không phù hợp với “ghế”, số lượng cán bộ tha hóa, biến chất ngày một nhiều, tham nhũng lãng phí khắp nơi…?
Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không thể làm tràn lan. Điều này xuất phát từ hai vấn đề: Thứ nhất, nếu kéo dài tuổi thọ vì yêu cầu công việc thì nên chăng chỉ áp dụng những trường đại học, viện nghiên cứu, một số cơ quan ban hành chính sách đầu não.
Thứ hai, nếu kéo dài tuổi lao động để đảm bảo an toàn quỹ lương hưu thì nó không nhắm trúng mục tiêu của vấn đề. Việc đó thuộc về cơ quan quản lý nguồn tiền đóng bảo hiểm của người lao động.
Xu hướng trên thế giới hiện nay “chuộng” lao động trẻ, được đào tạo bài bản, giàu ý tưởng, nhạy bén hơn thế hệ trước, thậm chí nhiều quốc gia đặt niềm tin vào nguyên thủ trẻ tuổi, Bộ trưởng ngoài ba mươi…
Có phải ai lớn tuổi cũng có kinh nghiệm và trình độ? Không khéo tăng tuổi nghỉ hưu khiến người già ôm việc còn người trẻ ngồi chơi!