Tuổi nghỉ hưu và GDP

Trương Khắc Trà 06/11/2019 05:03

Tăng tuổi nghỉ hưu phải hướng vào giải quyết các vấn đề cụ thể, là giúp tăng trưởng GDP hay giảm áp lực quỹ lương...?

Trong khi Quốc hội Việt Nam đang còn tranh luận nên tăng tuổi nghỉ hưu hay không thì tập đoàn công nghệ Microsoft (Mỹ) đã áp dụng thành công một mô hình tuần làm việc 4 ngày.

Thử nghiệm này được thực hiện ở Microsoft chi nhánh Nhật Bản - đất nước có tỷ lệ dân số già thuộc top cao nhất thế giới; nền kinh tế có dấu hiệu chững lại. 2.300 nhân viên tại đây được nghỉ từ ngày thứ 6, kết quả kinh ngạc, hiệu suất (được đo bằng doanh số cá nhân) tăng lên 40%.

Đồng thời, trụ sở Microsoft cũng tiết kiệm chi phí vận hành, với lượng điện sử dụng giảm 23,1%, giấy in giảm 58,7% trong thời gian thử nghiệm. Có đến 92,1% nhân viên nói rằng họ thích làm việc 4 ngày một tuần. 

Kết quả thí nghiệm này cho thấy rất nhiều điều: Trong xã hội hiện đại, đặc biệt ở Việt Nam “sức khỏe tâm lý” của người lao động là “vùng tối” ít được quan tâm, một khi tinh thần thoải mái, yêu công việc thì người lao động sẽ phát huy tối đa khả năng vốn có.

Điều này có thể dẫn đến việc thay đổi quan điểm sử dụng lao động, rằng lao động là một quá trình tự thân, bị thôi thúc bởi các yếu tố nội tại là chính, rằng đã qua rồi thời kỳ mà “quản đốc” luôn theo sát sau lưng để hối thúc tiến độ công việc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời phỏng vấn về các vấn đề liên quan đến bộ Luật Lao động sửa đổi

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời phỏng vấn về các vấn đề liên quan đến bộ Luật Lao động sửa đổi

Trên thế giới, các nước có thu nhập bình quân đầu người dưới 20.000 USD thì thời giờ làm việc của người lao động là từ 1600 - 2400 giờ/năm, các nước có thu nhập bình quân đầu người từ 20.000-40.000 USD thì thời giờ làm việc của người lao động là từ 1600 - 2300 giờ/năm; các nước có thu nhập bình quân đầu người trên 40.000 USD thì thời giờ làm việc của người lao động từ 1400 - 1800 giờ/năm.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng tuổi hưu và lo ngại chuyện thực thi

    15:37, 23/10/2019

  • Tăng tuổi hưu nhanh có thể “tắc nghẽn” thị trường lao động?

    12:15, 17/06/2019

  • Tuổi hưu: Tăng - giảm có làm yên lòng?

    11:15, 30/05/2019

  • Vấn đề tuổi hưu và những khó khăn về nguồn nhân lực trong tương lai

    05:40, 22/07/2018

  • Thống nhất trình Quốc hội 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu có lộ trình

    16:05, 20/09/2019

  • Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi: Nâng tuổi nghỉ hưu tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

    01:50, 16/08/2019

  • Tăng tuổi nghỉ hưu: Chưa có sự đồng thuận cao

    12:02, 14/08/2019

Chính sách lao động liên quan mật thiết đến mức độ thịnh vượng của mỗi quốc gia. Ngân hàng thế giới (WB) đã định lượng lợi ích ròng khi tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi cho cả nam và nữ ở nước ta là 0,262% GDP, tương đương 12.000 tỷ đồng.

Với tình trạng năng suất lao động của Việt Nam quá thấp như hiện nay thì tăng tuổi nghỉ hưu cũng là một giải pháp “lôi kéo” thêm nhân lực tham gia vào hoạt động kinh tế, tạo ra thêm của cải cho xã hội.

Nhưng liệu rằng, không còn phương án nào tốt hơn? Hoặc, đã tính đến tác dụng phụ khi người lao động bị kéo dài thời gian lao động, hạn chế quỹ thời gian tái tạo sức lao động và phải đóng thêm bảo hiểm xã hội?

Có thể xem con số định lượng của WB là một tham chiếu, hàng chục triệu người kéo dài thời gian lao động, nếu 62 tuổi tức là nam thêm 2 năm, nữ thêm 7 năm; với cả phương án nữ 60, nam 65 tuổi nghỉ hưu thì lợi ích mang lại cho GDP cũng không cao.

Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu để góp phần tăng trưởng kinh tế thì có lẽ mục tiêu này khó thành công - có chăng lợi ích trước mắt là bảo đảm an toàn cho quỹ lương hưu, bớt ghánh nặng chi thường xuyên cho ngân sách!?

Từ trước tới nay, nhóm lao động có trình độ cao, học hàm học vị như TS, PGS, GS đều được kéo dài thời gian công tác; một số người có chức vụ cao như Bộ trưởng, trưởng đầu ngành mang tiếng nghỉ hưu nhưng vẫn còn “ở lại” dưới các vị trí như “cố vấn”, “chuyên gia”.

Vì vậy, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu tác động chủ yếu vào nhóm lao động “bình thường” như công nhân, viên chức cấp thấp. Hơn nữa, hiệu quả lao động ở tuổi 60, 65 là vấn đề khoa học cần được nhìn nhận khách quan.

Liệu ở độ tuổi này người lao động có khát khao cống hiến và đủ sức khỏe, trí tuệ để làm việc hiệu quả? Nhất là trong môi trường nhà nước - khi người lớn tuổi ở lại quá lâu là rào cản cho lớp trẻ có cơ hội thể hiện mình.

Trong khi đó, “lao động trẻ” là một trong những lợi thế cạnh tranh để Việt Nam “giới thiệu” với nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt nền kinh tế gia công cần lao động trẻ hơn là người lớn tuổi.

Vì vậy, con số 12.000 tỷ đồng hàng năm mang lại từ tăng tuổi hưu là cái giá quá rẻ để đổi lấy một chính sách lớn, có tác động sâu sắc toàn xã hội

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy,  xã hội càng hiện đại, nước càng giàu thì thời giờ làm việc càng ngắn, nước càng nghèo thì thời giờ làm việc càng dài; nước có năng suất lao động càng cao thì số giờ làm việc của người lao động càng thấp, năng suất càng thấp thì số giờ làm việc của người lao động càng cao...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tuổi nghỉ hưu và GDP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO