Xu hướng "du lịch trả thù" sau dịch sẽ nhòe đi và các nhu cầu trải nghiệm, khám phá điểm đến, văn hóa mang tính "cá nhân hóa" sẽ ngày càng "lên ngôi".
Đây là một trong những chia sẻ của ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc điều hành Klook, nhân dịp 10 năm nhìn lại hoạt động của nền tảng ứng dụng du lịch này tại Việt Nam, và từ đó nhìn về tương lai phía trước của thị trường.
Khảo sát từ thực tế của người đi du lịch cho thấy, nhu cầu của chúng ta vô cùng đa dạng, có người đi trải nghiệm, có người đi khám phá, có người đi chỉ để... đổi chỗ ngủ khác thư giãn hơn, hay là trải nghiệm làm điều khác so với những gì mình đã làm. "Sau Covid-19, mọi người có xu hướng du lịch trả thù sau giai đoạn bị nhốt quá lâu. Nhưng tôi tin du lịch trả thù sẽ nguội và đi qua. Những nhu cầu khác sẽ bình thường trở lại", ông Hoàng cho biết.
Trả lời câu hỏi "Đặc tính của khách hàng tiêu dùng du lịch hiện tại và 5-10 năm tới sẽ như thế nào?", Giám đốc điều hành Klook cho biết, điểm nổi trội đầu tiên là "Social – first": Hơn 54% người du lịch sử dụng nền tảng và mạng xã hội để tìm động lực du lịch.
Bên cạnh đó, hơn 60% sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn cho các trải nghiệm du lịch.
Dẫn số liệu nghiên cứu của Visa (nhà công nghệ thanh toán toàn cầu) cho thấy có 63% người đi du lịch họ rất quan tâm đến du lịch có ý thức, có tính bền vững. Trong đó 80% sẵn lòng chi trả cao hơn cho các hoạt động được xác nhận có tính bền vững. Có thế nói, tính bền vững cao hơn đang ngày càng được dự báo là xu hướng của tương lai ngành du lịch.
Đón đầu xu hướng du lịch có trách nhiệm, Klook đang khai thác lợi thế quy mô của công ty để tạo ra những tác động tích cực lâu dài đối với môi trường và các cộng đồng địa phương. Là một thành viên mới của Global Sustainable Tourism Council (Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu), Klook sẽ thúc đẩy các biện pháp bền vững trên khắp lĩnh vực trải nghiệm du lịch.
Theo ông Eric Gnock Fah, Chủ tịch kiêm Đồng sáng lập Klook, "Chúng tôi đang triển khai những sáng kiến mới nhằm định hình một tương lai bao quát toàn diện hơn, có trách nhiệm và bền vững hơn cho ngành du lịch. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào việc tạo dựng mối liên kết sâu sắc hơn giữa du khách và các cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời hỗ trợ những người làm du lịch và có sinh kế dựa vào du lịch.”
Những sáng kiến mới này bao gồm việc áp dụng tiêu chuẩn du lịch thân thiện với môi trường thông qua hợp tác với các đối tác chú trọng hoạt động bền vững, một chương trình nâng cao phúc lợi động vật tại các khu bảo tồn voi, cùng với việc tặng hàng ngàn tour khám phá địa phương miễn phí do các chuyên gia địa phương dẫn đoàn nhằm tôn vinh di sản văn hóa và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trong hệ sinh thái du lịch.
Với hơn 200 hoạt động bền vững đã được chứng nhận tính đến nay, du khách sẽ có nhiều cơ hội và lựa chọn để tham gia các hoạt động thân thiện với môi trường tại nhiều điểm đến khác nhau. Những hoạt động này tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững được công nhận quốc tế, giúp du khách có thể lựa chọn những trải nghiệm phù hợp với giá trị và mong muốn của họ, thúc đẩy tương lai nơi việc khám phá du lịch và bảo vệ môi trường luôn song hành cùng nhau; hay khẳng định lập trường vững chắc về phúc lợi động vật bằng cách giới thiệu một bộ tiêu chí cho các trải nghiệm liên quan đến vo - được phát triển thông qua sự tư vấn của Asian Captive Elephant Standards (Tiêu chuẩn Voi Nuôi Nhốt Châu Á), các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phúc lợi voi thuần dưỡng.
Đại diện Klook cũng cho biết nỗ lực này không chỉ dừng lại ở việc cấp chứng nhận mà còn tích cực hợp tác với các đối tác địa phương để nâng cao tiêu chuẩn chăm sóc, hỗ trợ cho cả động vật được họ thuần dưỡng lẫn cộng đồng địa phương của họ.
Một nghiên cứu độc lập của Oxford Economics (trong thời gian 12 tháng từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2023 và trên 16 thị trường trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương) - công ty hàng đầu thế giới về phân tích và dự báo kinh tế, cũng ghi nhận tác động từ các hoạt động của Klook đã vượt xa phạm vi của chính nền tảng này.
Trong năm 2023, các dịch vụ của Klook đã đóng góp khoảng 7,2 tỷ USD vào GDP và hỗ trợ hơn 219.000 việc làm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định vai trò then chốt của Klook trong việc thúc đẩy nền kinh tế du lịch của khu vực. Bằng cách kết nối các đối tác với các nhóm khách hàng vốn dĩ khó tiếp cận, Klook đã tạo ra một chuỗi hoạt động kinh tế qua nhiều lĩnh vực trong ngành du lịch từ trải nghiệm, giải trí đến vận chuyển và nhiều lĩnh vực khác, theo Oxford Economics.
Đây cũng là sự gợi mở về hướng đi, đóng góp của các nhà phát triển/ cung cấp nền tảng du lịch có sự gắn kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua đó đóng góp cho tiêu dùng, tăng trưởng GDP của các khu vực bản địa, địa phương.