Để từng bước đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh khá trong khu vực, một trong những giải pháp trọng tâm được tỉnh xác định là đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang với Diễn đàn Doanh nghiệp.
>>Tuyên Quang phát triển hệ sinh thái bền vững
Với quyết tâm cao của cả hệ thông chính trị, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo đột phá thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội.
- Ông có thể cho biết những kết quả mà Tuyên Quang đã đạt được trong xây dựng chính quyền điện tử?
Xác định, chuyển đối số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, ngày 15/11/2021, BCH Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Tuyên Quang là một trong những tỉnh xếp loại khá, đến năm 2030 nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền Bắc.
Để hiện thực hóa chủ trương này, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Kế hoạch chuyển đổi IPv6 trong các cơ quan nhà nước tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022 – 2025…
Đến nay, cơ sở hạ tầng viễn thông di động và Internet băng rộng phủ đến hầu hết các thôn, bản trên địa bàn tỉnh, đáp ứng như cầu sử dụng dịch vụ với trên 99% địa bàn dân cư. Tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống thông tin điều hành thông suốt từ tỉnh đến cơ sở để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh tới cấp xã, trong đó đã triển khai các hệ thống dùng chung như: Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Tuyên Quang, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, Ứng dụng Chính quyền số Tuyên Quang ID…
Các ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục (vnEdu), y tế (VNPT HIS), bảo hiểm xã hội, thuế, ví điện tử (VNPT Money), hóa đơn điện tử,….được quan tâm triển khai mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả. Tỉnh đã đầu tư 167 điểm cầu, kết nối các điểm cầu từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh đã thực hiện cung cấp 1.880 dịch vụ hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có 1.080 dịch vụ công mức độ 4. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai mô hình chợ 4.0 và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt...
- Nguồn nhân lực là khâu quan trọng để thực hiện chuyển đổi số thành công. Ở Tuyên Quang vấn đề này được triển khai như thế nào thưa ông?
Đảm bảo nguồn lực bắt nhịp chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND, ngày 19-5-2022 triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg, ngày 28-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu, lãnh đạo, cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước và đội ngũ làm công tác truyền thông; đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực quản trị hệ thống thông tin; tổ chức khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho cán bộ, công chức, người lao động toàn tỉnh.
Nhằm hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân, tỉnh đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn. Đây được xem là lực lượng nòng cốt ở cơ sở đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân. Toàn tỉnh hiện có 1.871 tổ công nghệ số cộng đồng. Trong đó, có 138 tổ cấp xã, 1.733 tổ thôn, bản, tổ dân phố với tổng số 10.257 thành viên. Ở cấp xã, Tổ trưởng Tổ công nghệ số là Chủ tịch UBND xã hoặc Bí thư Đoàn xã, còn ở cấp thôn do trưởng thôn làm Tổ trưởng, bí thư chi đoàn làm tổ phó. Lực lượng nòng cốt này dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số tại địa phương.
- Thời gian tới, Tuyên Quang xác định mục tiêu trong chuyển đổi số như thế nào, thưa ông?
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong hàng loạt các giải pháp về đẩy mạnh chuyển đổi số, tỉnh sẽ ưu tiên các giải pháp chuyển đổi nhận thức và xây dựng các nền tảng dùng chung cho toàn tỉnh, xây dựng Trung tâm điều hành Đô thị thông minh IOC, tập trung phát triển hạ tầng số, xây dựng cổng dữ liệu dùng chung, nền tảng và kho cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn tỉnh, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp.... Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm