Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang là đơn vị tích cực chủ động triển khai chuyển đổi số nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, du lịch.
>>Hiệp hội Doanh nghiệp Tuyên Quang: Cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và chính quyền
Nghị quyết 48-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: chuyển đổi số là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền.
Tuyên Quang xác định lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết, Trung tâm Xúc tiến đầu tư là một trong những đơn vị tích cực chủ động triển khai chuyển đổi số nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, du lịch. Thời gian qua, Trung tâm đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng và trực tiếp quản lý 4 trang thông tin điện tử là: “Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang”, “Lễ hội Thành Tuyên”, “Du lịch Tuyên Quang”, “Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang”. Qua đó tích hợp, cập nhật dữ liệu và số hóa các thông tin về các thủ tục hành chính, lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, cơ chế chính sách thu hút đầu tư để phục vụ các doanh nghiệp, tổ chức và người dân có thể tra cứu thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi.
>>Tuyên Quang: Kiến tạo không gian phát triển mới
Trung tâm cũng phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, đơn vị trên địa bàn tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh... Trung tâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh trên trang thông tin điện tử Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang với hàng trăm tin, bài thu hút hơn 2,2 triệu lượt truy cập.
Trong 02 năm 2021 và năm 2022, tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại tỉnh với số vốn đăng ký trên 30.600 tỷ đồng đạt trên 60% kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều nhà đầu tư uy tín như Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Flamingo,… nhiều công ty, tập đoàn lớn đầu tư triển khai dự án tại tỉnh như: Dự án Làng văn hóa du lịch tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; Dự án nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu tại khu công nghiệp Long Bình An; Dự án du lịch lâm viên hồ Hoa Lũng của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang; Nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Sân golf của Vingroup; Nhà máy may công nghệ cao Tuyên Quang LGG 3 tại xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên...
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, các sở, ngành đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử. Đây là kênh hỗ trợ giúp doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, người nông dân từng bước chuyển đổi số để đạt được sự ổn định và chủ động về đầu ra cho sản phẩm; cắt giảm các khâu phân phối cồng kềnh, các chi phí trung gian. Đây là hướng đi bền vững, góp phần từng bước chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử.
Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang (www.santmdttuyenquang.gov.vn) được xây dựng và vận hành với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, quảng bá sản phẩm hàng hóa của tỉnh, hiện có 904 doanh nghiệp đăng ký, 2.456 sản phẩm (trong đó có 191 sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang) với trên 1,4 triệu lượt truy cập. Bên cạnh đó, còn có hàng trăm sản phẩm của tỉnh được bày bán trên các sàn thương mại điện tử như Voso, Tiki, Postmart, Lazada, Shopee...
>>Tuyên Quang: Giao thông đi trước
Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, để thương mại điện tử tiến gần hơn tới các đơn vị sản xuất kinh doanh, Trung tâm sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn; tổ chức tập huấn về thương mại điện tử, sớm đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động thường ngày của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; 35% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến... Từ đó, giúp sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, đưa thương hiệu OCOP và các sản phẩm của tỉnh vươn xa hơn trên các thị trường trong và ngoài nước.
Trong thời gian tới, tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm