Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, để tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, tỉnh Tuyên Quang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo báo cáo của ngành Công Thương Tuyên Quang, hiện nay trên địa bàn tỉnh các sản phẩm nông sản na, bưởi, cam có diện tích lớn đang ở thời điểm cho thu hoạch. Theo đó, phấn đấu tiêu thụ trên 2.300 tấn na, trên 95.500 tấn cam, trên 30.800 tấn bưởi. Ngành dự kiến phương án tiêu thụ sản phẩm cam khoảng 17% sản lượng tiêu thụ trong tỉnh và 83% tiêu thụ ngoài tỉnh; na khoảng 40% sản lượng tiêu thụ trong tỉnh và 60% tiêu thụ ngoài tỉnh; bưởi khoảng 30% sản lượng tiêu thụ trong tỉnh và 70% tiêu thụ ngoài tỉnh...
Ông Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, trên địa bàn huyện có 3 cây, 2 con được xác định là chủ lực đó là cây cam, cây chè, cây gỗ rừng trồng và con trâu, con vịt Minh Hương. Trong đó, cây cam có diện tích trên 7.000 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 75 nghìn tấn quả/năm, là cây trồng có giá trị kinh tế lớn nhất, thời gian thu hoạch ngắn, khoảng 4 tháng (từ tháng 11 đến tháng 2 dương lịch). Tiêu thụ sản phẩm cam năm 2021 đang là thách thức với các cấp chính quyền trong huyện.
Để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản lượng cam trong tình hình dịch bệnh COVID-19, UBND huyện Hàm Yên đang tích cực liên hệ, phối hợp với các ngành lên phương án cụ thể, đẩy mạnh hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Huyện Hàm Yên cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp, liên kết để tiêu thụ nội tỉnh tăng khoảng 2% so với các năm trước đó, đạt khoảng 17% sản lượng; tăng cường tiêu thụ qua các thương lái các chợ đầu mối tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh 46%; phối hợp với Sở Công thương đưa vào hệ thống các các siêu thị, đưa lên các sàn thương mại điện tử và tiêu thụ trên các kênh khác….
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang, để các sản phẩm nông sản đạt các tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng, Tuyên Quang đã duy trì các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… tạo ra sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh; mở rộng liên kết các tổ, nhóm, hợp tác xã, đầu mối đảm bảo thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển nông sản.
Để tiếp tục khơi thông thị trường tiêu thụ nông sản, vừa qua Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang đã làm việc với cơ quan chức năng thành phố Hà Nội về việc tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn; rà soát nguồn cung, đẩy mạnh kết nối giao thương, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm thủy sản tổ chức sản xuất, hỗ trợ khai thác, lưu thông thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP về tiêu thụ tại thành phố nhằm bảo đảm nguồn cung, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài. Thống nhất thiết lập các vùng đệm tập kết hàng hóa tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch và thời gian bảo quản ngắn…
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong tình hình dịch COVID – 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhằm hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh tỉnh Tuyên Quang đã ban hành kế hoạch 142/KH- UBND với nhiều giải pháp đồng bộ.
Để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến tiêu thụ sản phẩm nông sản, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng 2 phương án, gồm: tiêu thụ sản phẩm nông sản trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội và phương án phải giãn cách toàn xã hội.
Mục tiêu cao nhất của 2 phương án là tiêu thụ 100% sản lượng na, cam, bưởi…và các loại nông sản cho nông dân, đồng thời quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, tỉnh còn tập trung tiêu thụ tại thị trường các tỉnh, thành phố lân cận như: Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh... Tiêu thụ sản phẩm thông qua các tập đoàn có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Vinmart&Vinmart+, Aeon, Lotte… Đặc biệt, là đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử: Sendo, Voso, Postmart, Shopee… để tiếp cận được nhiều thị trường hơn… Tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân trên địa bàn tham gia phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên dùng hàng Tuyên Quang”; kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh giúp nông dân tiêu thụ nông sản.
Theo ông Sơn, trong thời gian tới, cùng với việc theo dõi sát diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID -19 để cập nhật, điều chỉnh kế hoạch tổ chức các sự kiện xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản Tuyên Quang diễn ra hiệu quả, đảm bảo phòng chống dịch, Tuyên Quang cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân đến Tuyên Quang nghiên cứu, khảo sát kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh. Đồng thời, kết nối với các nhà máy chế biến nông sản ngoài tỉnh để hỗ trợ thu mua, chế biến sản phẩm nông sản của Tuyên Quang.
Tuyên Quang đã và đang quyết liệt tập trung tháo gỡ khó khăn cho việc thu mua, vận chuyển hàng hoá. Tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm nông sản của Tuyên Quang nhằm góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hướng tới mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Có thể bạn quan tâm
Tuyên Quang: Tiếp tục ủng hộ phòng, chống dịch COVID -19, tiếp sức đồng bào miền Nam
15:29, 01/09/2021
Nghĩa đồng bào từ huyện nghèo vùng cao Tuyên Quang
12:33, 01/09/2021
Tuyên Quang: Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để bứt phá
01:06, 21/08/2021
Tuyên Quang tập trung cải thiện chỉ số PCI
15:21, 15/08/2021
Tuyên Quang đột phá phát triển hạ tầng giao thông
11:06, 13/08/2021