Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Văn Sơn Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ sẽ là khâu đột phá, tạo động lực đưa Tuyên Quang phát triển trong giai đoạn tới.
- Ông nhìn nhận thế nào về bức tranh hạ tầng giao thông của Tuyên Quang?
Trong những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh Tuyên Quang đã và đang được hoàn thiện tương đối đồng bộ, đan xen, kết nối, liên hoàn với trung tâm các tỉnh, thành phố lân cận, với Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế trọng điểm như: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 6.138,28 km đường giao thông chính. Trong đó, có bảy tuyến quốc lộ (QL 2, QL 2C, QL 2D, QL 3B, QL 37, QL 279, QL 280), với tổng chiều dài 563,77 km; Đường tỉnh gồm ba tuyến (ĐT 185, ĐT 186 và ĐT 189) với tổng chiều dài 451,43 km, tạo thành trục giao thông chính của tỉnh, giúp kết nối từ các trung tâm huyện, các khu dân cư, các khu công nghiệp trong tỉnh đến các tuyến quốc lộ và các tỉnh lân cận…
Tuyên Quang vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, hệ thống giao thông chủ yếu là đường bộ, không có đường sắt và đường hàng không. Hệ thống đường bộ kết nối giữa Tuyên Quang với Hà Nội và các tỉnh trong khu vực đã được quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Từ Tuyên Quang về Hà Nội, lên Hà Giang, sang Bắc Kạn, Cao Bằng và các tỉnh trong khu vực hiện còn mất nhiều thời gian do chất lượng đường còn hạn chế, chưa khai thác tối đa năng lực vận tải, nhất là vận tải hàng hóa phục vụ cho sự phát triển. Do đó, Tuyên Quang dẫu có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, công nghiệp và có vị trí địa lý gần Thủ đô Hà Nội nhưng chưa thu hút được đầu tư vì “rào cản” về đường giao thông, dẫn đến chưa kích thích được tăng trưởng mạnh kinh tế - xã hội.
- Vậy đâu là những dự án trọng điểm tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện, tạo điểm nhấn về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thưa ông?
Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại bảo đảm kết nối vùng miền một cách nhanh hơn, gần hơn để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất hàng hóa đang là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Được sự quan tâm và tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương và từ quyết tâm cao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh, ngay từ đầu năm 2021, trong điều kiện gặp không ít khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh COVID-19, Tuyên Quang đã tiến hành động thổ xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài hơn 42 km kết nối giữa các khu công nghiệp quan trọng của các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với Khu công nghệ cao Hà Nội; bảo đảm kết nối thông thương giữa các địa phương, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Giang, Tuyên Quang và các huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh của tỉnh Phú Thọ về Hà Nội.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có cuộc khảo sát để trình Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao Tuyên Quang - Hà Giang kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với tổng chiều dài là 110 km; xây dựng đường Na Hang - Ba Bể (Bắc Kạn) để hình thành một con đường hai điểm đến phát triển du lịch sinh thái trong tương lai.
Hiện, Tuyên Quang đang phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Bắc Kạn hoàn thiện các bước, đặc biệt là kiểm kê đất đai, giải phóng mặt bằng để triển khai khi dự án. UBND tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ cũng đã có buổi làm việc về công tác giải phóng mặt bằng để chuẩn bị khởi công xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ trong thời gian tới.
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang cũng tổ chức cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh; xây dựng một số cầu vượt sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy… để kết nối giữa các địa phương trong tỉnh, bảo đảm lưu thông hàng hóa thuận lợi.
- Ông có thể nói rõ hơn về Dự án đường kết nối Hà Giang với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ?
Dự án đường tốc độ cao Tuyên Quang - Hà Giang, kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có chiều dài dự kiến 110 km. Điểm đầu tại nút giao đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với Quốc lộ 2D, thuộc địa phận xã Nhữ Khê (Yên Sơn); điểm cuối tuyến tại địa phận xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.
Trong thời gian tới, Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang sẽ là điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như một số nước trong khu vực ASEAN, trong khi phía Trung Quốc đã đầu tư xây dựng đường cao tốc đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao kết nối Hà Giang với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ là hết sức cần thiết, tạo động lực quan trọng để kết nối giao thông tuyến Phú Thọ, Tuyên Quang đi cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu hàng hóa nội địa và xuất khẩu; đồng thời tăng tính kết nối giữa các khu công nghiệp của các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ với các tỉnh miền xuôi.
Khi hệ thống giao thông được hoàn thiện, từ Tuyên Quang về Hà Nội chỉ khoảng 1,5 giờ đồng hồ, từ Tuyên Quang đi cửa khẩu Thanh Thủy - Hà Giang chỉ khoảng 3,5 giờ đồng hồ… sẽ là động lực lớn, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng về Tuyên Quang và Hà Giang và các tỉnh trong khu vực triển khai các dự án, nhất là các dự án phát triển về du lịch, công nghiệp, chế biến nông lâm sản… góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trong khu vực.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm