Du lịch

Tuyên Quang: Phát triển du lịch nhanh, bền vững

Thùy Linh 12/09/2024 09:36

Tuyên Quang cũng đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư, phát triển du lịch.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII xác định: “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh” là một trong ba khâu đột phá về phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Tiềm năng lớn

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Đông Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 165 km. Với một vị trí địa lý đặc biệt bản lề nối hai vùng Đông và Tây Bắc Bộ, với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, truyền thống, lịch sử, văn hóa, cách mạng, Tuyên Quang có nhiều điều kiện để phát triển tốt các loại hình du lịch.

Tuyên Quang hội tụ đủ các thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch: Lịch sử - văn hóa, tâm linh - lễ hội, sinh thái - nghỉ dưỡng. Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào với những điểm di tích: Lán Nà Nưa, đình Tân Trào, hang Bòng... Tại đây, tỉnh đã đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, Bảo tàng Tân Trào và phòng chiếu phim, cải tạo, nâng cấp Quảng trường Tân Trào (Sơn Dương) để tạo đà thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác du lịch dịch vụ; Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình là nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng đã trở thành địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống, là địa điểm thăm quan hấp dẫn của nhân dân trên mọi miền đất nước; là điểm đến trong hành trình thăm quan, nghiên cứu của khách quốc tế.

Khu danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình, có diện tích mặt hồ lên đến 8.000 ha, Nằm giữa những cánh rừng nguyên sinh dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng cùng với nhiều hang động, danh lam, thắng cảnh là điều kiện phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm; Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn nước khoáng nóng 690C độc đáo tốt nhất miền Bắc cùng với hệ sinh thái hài hòa là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng…

Ông Nguyễn Văn Sơn
Ông Nguyễn Văn Sơn

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang:

Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.

Tuyên Quang có các hệ thống đình chùa, đền nổi tiếng linh thiêng hàng trăm năm tuổi, nhiều đền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia và nổi tiếng khắp cả nước như: Đền Hạ nơi phát tích của Mẫu Thoải, tức Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ. Đền Hạ Tuyên Quang là khởi nguồn của Đền Dùm (Đền Thượng) và Đền Ỷ La. Đây là một cụm đền thờ Mẫu Thoải có chung một nguồn gốc. Đền Cảnh Xanh thờ Thánh Mẫu Thượng ngàn (Lâm cung Thánh Mẫu) mà nhân dân thường gọi là Bà chúa Thượng Ngàn, cai quản miền rừng núi và ngàn cây… và đang là điểm đến ưa thích của khách du lịch tâm linh trong và ngoài nước.

1-Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc Năm Du lịch tỉnh Tuyên Quang 2024.
Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc Năm Du lịch tỉnh Tuyên Quang 2024.

Đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, để thúc đẩy du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp, chính sách thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Các chính sách được ban hành kịp thời, thiết thực, trở thành động lực thay đổi quan điểm, cách làm du lịch của các đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Một trong những Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh. UBND tỉnh cũng ban hành một loạt quyết định để cụ thể hoá Nghị quyết 29, như: Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 144/QĐ-UBND ngày 19/4/2022 ban hành Đề án sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023 - 2030; Quyết định số 698/QĐ-UBND ngày 27/12/2022 ban hành Đề án tổ chức đổi mới Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2022 - 2030 và Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang hằng năm... Đặc biệt, tỉnh đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, với các giải pháp “đón đầu”, trọng tâm là thu hút đầu tư hạ tầng.

Trong đó, phải kể đến việc đầu tư tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai; đường trục phát triển nối thành phố Tuyên Quang với trung tâm huyện Yên Sơn; tuyến đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang; xây dựng đường Na Hang-Ba Bể (Bắc Kạn) hình thành những tuyến du lịch gắn kết, tạo dấu ấn, thu hút du khách.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, để du lịch Tuyên Quang phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Tuyên Quang tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch, nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch và bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, nâng cao uy tín, thương hiệu của du lịch Tuyên Quang.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, Tuyên Quang cũng tập trung huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các chương trình, đề án phát triển du lịch, nhất là đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới khu du lịch, điểm du lịch; đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tuyên Quang: Phát triển du lịch nhanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO