Tỷ lệ BHXH của Việt Nam cao nhất ASEAN, làm sao giảm gánh nặng cho doanh nghiệp?

Thy Hằng 24/03/2018 08:16

Mức đóng BHXH của Việt Nam hiện là 32%, đây là mức cao nhất trong khu vực ASEAN. Cụ thể cao gấp nhiều lần so với mức đóng 10% tại Thái Lan, 13% của Malaysia, 10% của Philippines và 8% Indonesia…

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản đến Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNN và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những bất cập trong tỉ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội và phí công đoàn.

Thuỷ sản là ngành thâm dụng nhiều lao động, do đó mức đóng BHXH cao đang đè nặng áp lực lên doanh nghiệp.

Thuỷ sản là ngành thâm dụng nhiều lao động, do đó mức đóng BHXH cao đang đè nặng áp lực lên doanh nghiệp.

Áp lực làm giảm sức cạnh tranh

Theo VASEP, chi phí lao động ngày một tăng cao trong khi năng suất lao động tăng rất ít: “Do đó, trong giai đoạn quá độ như hiện nay, cần có các chính sách về thu BHXH một cách hài hòa, tăng thu nhập thực tế cho người lao động, tránh mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động”.

Cơ sở được phía Vasep đưa ra, hiện mức đóng BHXH của Việt Nam đang cao nhất trong khu vực ASEAN, lên tới 32% tổng thu nhập tiền lương tháng, trong đó doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10%. Đó là chưa kể 3% phí công đoàn, trong đó doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn 2% quỹ lương, lao động đóng 1%.

Trong khi đó, cùng khu vực nhưng Malaysia chỉ phải đóng BHXH chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%, còn Thái Lan 5%.... Các cơ sở này cũng trùng khớp với nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). 

ILO cũng nhận định, năng suất lao động thấp hơn lương trả cao hơn nhưng lại phải đóng mức BHXH cao gấp nhiều lần, rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu áp lực đóng BHXH cao gấp nhiều lần so với doanh nghiệp các nước khác, đồng thời khó có được lợi thế cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Trên thực tế, thuỷ sản là ngành cơ giới hoá hết cỡ vẫn phải sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp trong ngành lại chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, tận dụng từ những vùng không thể sản xuất nông sản khác được. “Do đó, lao động làm việc đơn giản, trong khi tỉ lệ tăng lương tối thiểu và mức đóng BHXH đang cao hơn rất nhiều với tăng năng suất và bỏ xa các chỉ số phát triển GDP, lạm phát... Điều này khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn”, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Vasep nhận định.

Hơn nữa, VASEP cho rằng, sang năm 2018, một số quy định của Luật BHXH đặc biệt như việc mở rộng đối tượng và thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, thì việc duy trì một tỷ lệ cao trong đóng BHXH và các khoản đóng góp khác liên quan đến người lao động như hiện nay sẽ là “một gánh nặng không nhỏ cho các doanh nghiệp và có thể làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu”.

“Vì vậy, Trong khi chờ việc sửa Luật liên quan, Chính phủ xét xét và có quyết sách ngay từ Quý 1/2018 cho giảm tỷ lệ đóng BHXH 4%, trở về mức như năm 2010 và giảm 1% kinh phí công đoàn”, Văn bản của VASEP nêu rõ.

Có phù hợp “sức khoẻ” doanh nghiệp?

Cùng với đó, theo số liệu thống kê, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75%, tỷ lệ tích lũy đối với nam là 2,5% và đối với nữ là 3%. Trong khi đó tỷ lệ hưởng lương hưu của các nước chỉ khoảng 35% - 50%, tỷ lệ tích lũy bình quân trên thế giới là 1,7%, đặc biệt Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ là 1%.

Trao đổi với DĐDN, Ts Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, mức đóng 34% là cao với tình hình doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

“Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, giảm mức đóng BHXH. Mức đóng vừa phải đảm bảo cho doanh nghiệp có thể lo được an sinh cho lao động mà vẫn tồn tại và phát triển”, TS Phạm Minh Huân khẳng định.

Ông Huân đưa ra ví dụ về mô hình của Trung Quốc cải cách chính sách bảo hiểm cùng thời điểm với Việt Nam, nhưng mức hưởng hưu trí 75% của Trung Quốc hiện đã dừng lại ở một mức 40-45%, sau đó chuyển sang hình thức tự nguyện, tạo tài khoản cá nhân cho người lao động.

“Người lao động có thể sử dụng tài khoản này để đầu tư sinh lời. Mô hình này Ngân hàng Thế giới đã thúc giục các nước nhưng hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu”, TS Huân cho biết đồng thời nhận định, tài khoản cá nhân là mô hình an toàn, người lao động có thể trực tiếp thấy được lợi ích từ đó. Doanh nghiệp cũng chỉ phải bắt buộc đóng mức 40-50%, phần còn lại tuỳ khả năng của doanh nghiệp.

"Việt Nam có thể chuyển dần từ BHXH bắt buộc sang đóng tự nguyện. Tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật đóng BHXH ít và chậm đóng, lao động cũng không vì vậy mà mất việc", TS Huân nói.

Đặc biệt, mô hình BHXH của Việt Nam nên đi theo mô hình nào cũng là điều cần nghiên cứu lại, toàn bộ chính sách về BHXH cần được nghiên cứu. Bên cạnh đó, các chính sách BHXH cũng cần linh hoạt với những lao động ở từng độ tuổi và tình hình “sức khoẻ” của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tỷ lệ BHXH của Việt Nam cao nhất ASEAN, làm sao giảm gánh nặng cho doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO