Bản án đã tuyên nhưng khó thu hồi được tài sản, có hai nguyên nhân: Một là, tuyên án không rõ nên khó thi hành. Hai là, những bản án đã tuyên rõ và đúng nhưng không thi hành được.
>>Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn lĩnh vực tòa án và kiểm sát
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt kỳ vọng của Quốc hội và người dân, ngày 20/3.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đã tiến bộ, nhưng vẫn còn ít, chưa đạt kỳ vọng của Quốc hội và người dân.“Chánh án TAND Tối cao phối hợp với các cơ quan liên quan như thế nào để mà thu hồi tài sản tham nhũng được nhiều và đạt được theo kỳ vọng”, đại biểu Hòa nêu câu hỏi.
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc thu hồi tài sản tham nhũng ở tất cả các nước “không bao giờ triệt để”. Tại Việt Nam, thời gian qua các cơ quan tố tụng đã phối hợp tốt nên tỷ lệ thu hồi được 40% tổng số tài sản đã tham nhũng. “Đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương của các cơ quan tiến hành tố tụng”, ông Bình nói.
Theo quy định, các cơ quan chỉ được thu hồi tài sản tham nhũng khi các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, viện kiểm sát và tòa án) chứng minh được nguồn gốc tài sản là từ tham nhũng. Do đó, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử cần nâng cao và các cơ quan phải kịp thời phong tỏa tài sản có dấu hiệu tham nhũng.
Vẫn theo ông Bình, trên thế giới xem tham nhũng là tội đặc thù, nên bên cạnh nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản tham nhũng, họ còn có cơ chế khác là tăng nghĩa vụ giải trình của nghi can. Ví dụ, nghi can có tài sản mà không chứng minh, giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì bị xem là tài sản tham nhũng và bị tịch thu. “Nếu chúng ta làm được điều này như các nước thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong tương lai sẽ rất cao”, Chánh án TAND Tối cao nói.
Đề cập đến bản án đã tuyên nhưng khó thu hồi được tài sản, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết có hai nguyên nhân. Một là, tuyên án không rõ nên khó thi hành, tuy nhiên, tỷ lệ tuyên không rõ của các bán án đã được khắc phục rất nhiều. Hai là, những bản án đã tuyên rõ và đúng nhưng không thi hành được.
Đơn cử, như vụ án tại ngân hàng Trustbank (Ngân hàng Xây dựng), bà Hứa Thị Phấn làm mất của ngân hàng hơn 10.000 tỷ đồng. Tòa tuyên bà Phấn bồi thường số tiền đó, nhưng tuyên xong bà Phấn chết. “Bản án tuyên đúng pháp luật, không thể không tuyên bà Phấn phải bồi thường”, ông Bình bày tỏ.
>>Phó Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá kỹ sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu
>>Lan tỏa đổi mới từ Quốc hội đến các hoạt động của HĐND
Vụ án khác là Ocean bank, liên quan đến ông Đinh La Thăng. Vụ án này làm mất 800 tỷ đồng, trách nhiệm dân sự các bị cáo trong vụ án phải chia đều theo thị phần bồi thường 800 tỷ đó. “Ông Đinh La Thăng phải đền bù 600 tỷ nhưng đã đi tù. Đây là bản án khó thi hành nhưng không tuyên không được. Cách nào để bản án thực thi trên thực tế thì chúng tôi chưa nghĩ ra giải pháp”, Chánh án TAND Tối cao chia sẻ.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận còn khá nhiều vấn đề đặt ra. Thứ nhất, khó khăn từ bản thân vụ án như tài sản trong các vụ án lớn, nằm rải rác ở các địa phương khác nhau trên phạm vi cả nước.
Thứ hai, nguồn gốc, tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên, đưa ra xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian làm rõ. Thứ ba, có trường hợp phải xác minh tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng, tài sản của người phạm tội, người ngay… tính đến mức nào.
Ông Long cho rằng, thời gian tới sẽ thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tư pháp đề nghị các cơ quan dân cử, Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát. "Tất cả tập trung vào đây thì việc tẩu tán, dấu tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng sẽ giảm đi”, ông Lê Thành Long nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
12:52, 15/03/2023
20:04, 14/03/2023
10:48, 07/03/2023
18:28, 01/03/2023