Kinh tế

Ứng phó chủ động, kịp thời trước rủi ro thuế quan

Yến Nhung thực hiện 12/04/2025 04:30

Việt Nam cần tận dụng thời gian tạm hoãn thuế để tăng cường xuất khẩu, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt nhằm giảm thiểu thiệt hại từ các chính sách thuế đột ngột.

Đây là chia sẻ của PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với Diễn đàn Doanh nghiệp.

pgs ts
PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

- Ông đánh giá như thế nào về việc Mỹ tạm hoãn áp thuế 90 ngày và giảm thuế đối ứng xuống 10% với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam?

Theo tôi, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế 90 ngày và giữ mức thuế đối ứng ở 10% là một bước đi chiến lược nhằm tạo dư địa đàm phán và giảm áp lực trong bối cảnh thâm hụt thương mại với Việt Nam lên tới 123,5 tỷ USD trong năm 2024. Đây được xem là động thái có tính toán, vừa nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế Mỹ, vừa tuân thủ nguyên tắc MFN của WTO, bởi theo nguyên tắc của WTO, nếu giảm thuế cho một nước thì về nguyên tắc MFN, Mỹ buộc phải giảm cho tất cả.

Đối với Việt Nam, 90 ngày tạm hoãn này là "cơ hội vàng" để đẩy mạnh các cuộc đàm phán với phía Mỹ nhằm hướng tới một thỏa thuận thương mại bền vững hơn trong dài hạn. Đây cũng là khoảng thời gian rất quý báu để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, đồ gỗ, và điện tử, tăng tốc ký kết đơn hàng, hoàn tất sản xuất và giao hàng sang thị trường Mỹ trước khi mức thuế mới có thể chính thức áp dụng. Ba ngành hàng này hiện đang có lợi thế cạnh tranh rất cao so với các nhà sản xuất tại Mỹ. Đây là các mặt hàng không chỉ có giá thành cạnh tranh mà còn đáp ứng tốt yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn an toàn của Mỹ, chứng tỏ hàng hóa Việt Nam ngày càng đáp ứng được thị hiếu và yêu cầu khắt khe của thị trường lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, 90 ngày này còn mang ý nghĩa chiến lược, giúp các doanh nghiệp Việt Nam chủ động sắp xếp lại kế hoạch sản xuất, tái cơ cấu chuỗi cung ứng, mở rộng hoặc điều chỉnh thị trường tiêu thụ, tránh bị phụ thuộc quá mức vào một thị trường duy nhất. Về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng kịch bản đàm phán thực chất và chủ động, đặc biệt là hướng tới cân bằng cán cân thương mại bằng cách gia tăng nhập khẩu từ Mỹ, dự kiến đạt 30–40 tỷ USD năm 2025 và dần thu hẹp chênh lệch thặng dư còn 10–20 tỷ USD. Điều này sẽ giúp củng cố vị thế của Việt Nam trong quan hệ thương mại song phương và giảm nguy cơ bị áp thuế bất ngờ trong tương lai.

- Trong trường hợp Mỹ chỉ tạm hoãn thuế trong ngắn hạn, theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị ra sao để ứng phó nếu chính sách thuế được khôi phục hoặc trở nên khắt khe hơn sau đó?

Theo tôi, khả năng Mỹ khôi phục hoặc gia tăng thuế sau thời gian tạm hoãn 90 ngày là hoàn toàn có thể xảy ra, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt và phương án phòng ngừa rủi ro.

xk4-23304304.jpg
Việt Nam cần tận dụng thời gian tạm hoãn thuế để tăng cường xuất khẩu, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt nhằm giảm thiểu thiệt hại từ các chính sách thuế đột ngột - Ảnh: ITN

Thứ nhất, doanh nghiệp cần nhìn nhận thực tế rằng việc bị đánh thuế cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại Mỹ, đặc biệt khi các đối thủ như Bangladesh, Mexico hay Ấn Độ có thể hưởng lợi và giành lấy thị phần của Việt Nam. Việc chuẩn bị kịch bản rút bớt tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ nếu rủi ro thuế quan hiện hữu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông... là giải pháp lâu dài để giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Thứ hai, nếu không thể xuất khẩu đúng kế hoạch, doanh nghiệp cần có kế hoạch phân phối lại hàng tồn kho, bao gồm việc chuyển hướng sang tiêu thụ nội địa, xuất khẩu chéo sang các thị trường lân cận, hoặc chuyển đổi sản phẩm thành dạng mới phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, điều này sẽ khó khăn với các mặt hàng có giá trị cao và vòng đời ngắn như dệt may, điện tử, đặc biệt nếu quy mô hàng tồn kho lớn và sức mua trong nước còn hạn chế.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần chủ động thành lập bộ phận nghiên cứu và quản trị rủi ro thị trường để cập nhật và phân tích chính sách quốc tế. Đồng thời, xây dựng quỹ dự phòng tài chính hoặc chiến lược sử dụng hàng tồn kho như một công cụ tài chính để bù đắp khi phát sinh chi phí thuế cao, hoặc ít nhất duy trì khả năng hoạt động trong thời gian chịu lỗ.

Thứ tư, nên đẩy mạnh liên kết – liên doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng, cùng chuỗi cung ứng để chia sẻ đơn hàng, hỗ trợ tiêu thụ hàng tồn, chia sẻ chi phí logistics, nguồn cung nguyên… giúp tăng khả năng ứng phó với các cú sốc thị trường.

- Trước những rủi ro từ các chính sách thuế bất ngờ của các thị trường lớn như Mỹ, theo ông, Việt Nam nên điều chỉnh chiến lược xuất khẩu ra sao? Và Chính phủ cùng các hiệp hội ngành hàng có thể làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức đề kháng trước các biến động này?

Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược xuất khẩu theo hướng bền vững, đa dạng và linh hoạt để giảm phụ thuộc vào các thị trường lớn như Mỹ, trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở rất cao và nhạy cảm với biến động thương mại toàn cầu. Hiện nay, độ mở của nền kinh tế Việt Nam ở mức rất cao, khoảng 180% GDP. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất nhập khẩu. Dự kiến trong năm nay, nếu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, tương ứng quy mô nền kinh tế đạt khoảng 520 tỷ USD thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ USD – một con số rất lớn, phản ánh rõ tầm quan trọng và mức độ nhạy cảm của nền kinh tế với biến động thương mại toàn cầu.

Về mặt chiến lược, Chính phủ cần sớm chủ động đàm phán với phía Hoa Kỳ để kéo dài thời gian hoãn áp thuế, hoặc hướng đến một lộ trình đánh thuế ổn định, minh bạch và có thể dự đoán trước. Thay vì trả đũa, Việt Nam nên chọn cách đối ứng khôn khéo như tăng nhập khẩu một số mặt hàng thế mạnh của Mỹ như nông sản, năng lượng, thiết bị công nghệ… để giảm thâm hụt thương mại và tạo điểm chung lợi ích.

Bên cạnh các giải pháp đối ngoại, Chính phủ cũng cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng sức chống chịu. Điều này bao gồm việc giảm bớt các chi phí phi chính thức, đơn giản hóa thủ tục hành chính, và có thể xem xét giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời cung cấp các gói tín dụng ưu đãi nhằm giảm áp lực tài chính. Khi chi phí đầu vào giảm, doanh nghiệp sẽ có dư địa để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất – xuất khẩu phù hợp với thị trường.

Một điểm rất quan trọng nữa là Việt Nam cần thiết lập lực lượng vận động hành lang chuyên trách tại Mỹ, bởi lẽ theo luật pháp Mỹ, hoạt động này là hoàn toàn hợp pháp và được sử dụng rất phổ biến. Do đó, Chính phủ có thể thành lập nhóm vận động hành lang để làm việc trực tiếp với các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ và các cơ quan hữu quan tại Washington D.C nhằm thúc đẩy quan hệ và bảo vệ lợi ích doanh nghiệp tại trung tâm chính sách Hoa Kỳ.

Đối với các hiệp hội ngành hàng, trong giai đoạn hiện nay, vai trò của họ là hết sức quan trọng. Hiệp hội cần phát huy vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước và thị trường, tổ chức cảnh báo rủi ro, chia sẻ thông tin chính sách, hỗ trợ phân bổ sản xuất và mở rộng xúc tiến thương mại sang các thị trường mới nổi như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latinh.

- Trong bối cảnh Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn hàng đầu của Việt Nam, Việt Nam nên điều chỉnh chính sách thương mại hay cơ chế làm việc với các đối tác Mỹ như thế nào để trở thành một trong những quốc gia được ưu tiên trong tương lai?

Việt Nam cần điều chỉnh chính sách thương mại và cơ chế hợp tác với Mỹ – thị trường xuất khẩu chiến lược hàng đầu – nhằm trở thành đối tác ưu tiên trong quan hệ song phương. Trước chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ, đặc biệt dưới thời chính quyền Trump, Việt Nam phải thể hiện rõ vai trò là đối tác có trách nhiệm và tạo ra giá trị kinh tế cụ thể cho phía Mỹ, trong đó có việc thu hẹp thâm hụt thương mại bằng cách tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ như nông sản, dược phẩm, công nghệ cao, năng lượng...

Nếu trước đây chúng ta có xu hướng nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông vì giá cả cạnh tranh hơn, thì trong bối cảnh hiện tại, việc sẵn sàng điều chỉnh nhập khẩu sang hàng hóa Mỹ – dù có thể chịu chi phí cao hơn trong ngắn hạn – sẽ mang lại cái lợi lâu dài là duy trì được mối quan hệ thương mại ổn định và tránh được những cú sốc về thuế quan từ phía Hoa Kỳ.

Đồng thời, Việt Nam cần hướng tới việc nâng cấp quan hệ thương mại với Mỹ thông qua một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương toàn diện, thay thế Hiệp định Thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA) được ký từ năm 2001 – tức đã hơn 20 năm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư từ doanh nghiệp Mỹ vào các lĩnh vực giá trị gia tăng cao, tạo mô hình hợp tác hai chiều bền vững. Quan trọng hơn, Việt Nam cần thay đổi tư duy tiếp cận quan hệ thương mại theo hướng dài hạn, chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo ổn định và an toàn xuất khẩu về lâu dài.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ứng phó chủ động, kịp thời trước rủi ro thuế quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO