Ứng xử với vốn Trung Quốc: Cần sức mạnh “mềm”

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 21/05/2020 06:50

An Dương Vương bất cẩn để mất nỏ thần dẫn tới mất nước. Ai lấy nỏ? Thế lực này đến từ phương nào? Chuyện cũ nhưng chưa bao giờ hết thời sự.

Từ rất lâu rồi, câu hỏi: Vốn Trung Quốc, cần hay không? Đã được đặt ra và cũng có nhiều chuyên gia, nhà hoạch định giải đáp. Xin nhắc lại một lần nữa, bất kỳ nguồn vốn đầu tư nào chúng ta cũng cần.

Nói như GS Đặng Hùng Võ: “Ta lo ngại là cần thiết, nhưng đừng co mình lại để mong muốn an toàn ngắn hạn. Trong quan hệ kinh tế, kề cận với thị trường một tỷ rưỡi người tiêu dùng là lợi thế lớn, nhưng không cần và không được lệ thuộc...”.

Thương nhân Trung Quốc liên doanh với người Việt lập công ty rồi “cơ cấu lại nội bộ để kiểm soát”. Điều này không trái với Luật pháp Việt Nam, quy định tại Điều 13 Luật doanh nghiệp năm 2014.

Người nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 159, Luật nhà ở 2014 sẽ được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Để sở hữu đất đai tại Việt Nam, người Trung Quốc còn thực hiện mưu kế dùng người Việt đứng tên mua giúp.

70 người Việt đứng tên mua 137 lô đất cho người Trung Quốc

Tại Đà Nẵng, 70 người Việt đứng tên mua 137 lô đất cho người Trung Quốc!

Tất cả đều núp dưới bóng đầu tư, nhìn bề ngoài hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam, thậm chí một số trường hợp được ưu đãi, trải thảm đỏ mời gọi...

Môi trường đầu tư là một khái niệm có nội hàm vô cùng rộng, nó là chân trụ cốt cán trong chính sách hội nhập, khát vọng hùng cường của dân tộc. Vì vậy, không thể vì cái cây sâu mọt mà đốt cả khu rừng.

Cả thế giới này chỉ có nước Mỹ mới đủ mạnh để đơn phương ban hành những đạo luật nhằm vào các quốc gia riêng lẻ một khi họ thấy “có trách nhiệm”.

Hay nói cách khác, bít lỗ hổng trong luật là điều dễ dàng, nhưng không lẽ “chỉ vì người Trung Quốc” mà chúng ta “vơ đũa cả nắm”. Đặc biệt, trong khi dòng tiền tệ quốc tế đang chuyển dịch mạnh mẽ để cơ cấu lại chuỗi cung ứng, Việt Nam phải “tỏa hương” để thu hút.

Việt Nam ngày nay có hàng trăm đối tác lớn nhỏ, mới đây nhất Mỹ mời gọi tham gia “bộ tứ mở rộng”, EU đã ký kết với chúng ta Hiệp định Thương mại tự do, nhưng đó là một chuyện.

Dù Việt Nam có thể trở thành nhà sản xuất cho công ty Mỹ, châu Âu thì trong vòng ít nhất 5 năm trở lại vẫn chưa thể “nói không” với nguồn nguyên liệu phong phú và đa dạng tại Trung Quốc.

Ứng xử với vốn Trung Quốc, hãy xuất phát từ quan điểm không thể và không nên khu biệt với họ. Việc xác định sai quan điểm bản lề sẽ để lại hậu họa khôn lường.

Chúng ta đang thiếu ý thức dân tộc, tinh thần trách nhiệm...

Chúng ta đang thiếu ý thức dân tộc, tinh thần trách nhiệm...

Bạn từng xem phim cổ trang Trung Quốc chắc chắn biết tư tưởng “Đại hán” luôn diện hiện trong đó, không đâu trên thế giới nói nhiều đến “chủ nghĩa anh hùng”, tư tưởng “kinh bang tế thế”, “trị quốc bình thiên hạ”...nhiều như tại Trung Quốc.

Nếu bạn sức mọn, đối diện với con sóng dữ, sẽ làm gì? Lao đầu vào để chết hay nương theo nó như vận động viên lướt sóng tài ba?

Mấy ngày gần đây khi chuyện đất đai trong tay người Trung Quốc rộ lên, khắp các diễn đàn bật ra câu hỏi khẩn thiết: Làm sao? Phải làm sao? Biết được chuyện này, ai cũng lo, “quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách” là thế.

Tôi nhớ lại câu chuyện lịch sử đã được học, nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển, 19 tuổi, nặng 42kg nhưng trong phút chốc lâm nguy, cầu Hàm Rồng có thể bị đánh sập, bà đã vác thùng đạn 98kg vượt qua hào sâu để tiếp tế cho bộ đội đánh trả.

Lịch sử đã qua, chúng ta không nên mất công bàn về sự xác tín của câu chuyện này, mà hãy nhìn nó dưới một góc nhìn thời sự hơn, đó là ý chí, tinh thần dân tộc của người Việt khi đất đai, nhà cửa, Tổ quốc bị xâm lăng.

Những câu chuyện tương tự như vậy không phải là “tinh thần tự sướng” hay “phép thắng lợi tinh thần” mà đó là sự thật đã được cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam xác nhận, viết thành sách, lưu truyền cho hậu thế.

Hãy hỏi một câu rộng hơn, rằng: Trong 4.000 năm dựng nước và giữ nước, điều gì giúp người Việt ta chiến đấu và chiến thắng với vô sô kẻ thù hùng mạnh? Câu trả lời rõ rồi.

Liệu bài học này có thể áp dụng để ứng xử với nguồn vốn Trung Quốc đang len lỏi khắp đất nước ta? Hoàn toàn có thể, nếu không muốn nói đây là biện pháp khả dĩ nhất, tạo ra sức mạnh “mềm” trong nhân dân.

Hỡi những cá nhân, tổ chức đứng tên mua đất cho người Trung Quốc, đừng vì ích lợi trước mắt mà đặt tương lai chúng ta vào nguy hiểm. Rồi đây biển bị rào lại, phố xá bị ngăn cấm, chúng ngang ngược, coi thường ta, tự do còn đâu, chủ quyền còn đâu? Sướng hay khổ!?

Hỡi những người đang làm ăn liên doanh với thương nhân Trung Quốc, chỉ cần thêm hay bớt 1% vốn cũng đủ để nắm hay buông quyền kiểm soát. Đó cũng là độc lập và tự do đấy!

Hỡi những người có chức quyền, mắt để đâu, tai làm gì mà không hay không biết “người lạ” đến địa phương mình mua đất, xây hàng rào, cấm chúng ta vào ra...!

Thời nào cũng có “Lý Thông” thuở nào cũng có “Trần Ích Tắc” nhưng rút cuộc các thế lực phi pháp ấy đều thất bại, sớm hay muộn là nhờ thái độ của phần đông yêu nước thương nòi.

Ông cha ta đã đúc ra bài học “cảnh giác với kẻ địch” nên rất thông tuệ sáng tạo ra câu chuyện “Chiếc nỏ thần”. Cũng vì sơ hở chủ quan mà An Dương Vương mất nỏ thần dẫn đến mất nước. Ai lấy nỏ? Ai dùng kế “Tiếu lý tàng đao”? Thế lực này đến từ đâu? Rõ rồi!

Có thể bạn quan tâm

  • Đất đai và chủ quyền quốc gia

    Đất đai và chủ quyền quốc gia

    06:15, 18/05/2020

  • Người Trung Quốc gom đất xây nhà hàng, khách sạn: Đừng xem nhẹ!

    Người Trung Quốc gom đất xây nhà hàng, khách sạn: Đừng xem nhẹ!

    05:00, 02/07/2019

  • Người Trung Quốc “núp bóng” thâu tóm đất: Vạch trần lỗ hổng trong góp vốn bằng quyền sử dụng đất

    Người Trung Quốc “núp bóng” thâu tóm đất: Vạch trần lỗ hổng trong góp vốn bằng quyền sử dụng đất

    05:10, 20/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ứng xử với vốn Trung Quốc: Cần sức mạnh “mềm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO