Cần sự chuyển dịch trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho “sản phẩm” của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai.
Việc Samsung mới đây khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại được cho là lớn nhất thế giới tại Ấn Độ khiến nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng môi trường đầu tư tại Việt Nam đã hết thời kỳ ưu đãi nên Samsung quyết định chuyển “công xưởng” điện thoại sang thị trường khác?
Sở dĩ Việt Nam trước nay được coi là “công xưởng” sản xuất điện thoại của Samsung là bởi mỗi năm sản xuất khoảng 300 triệu smartphone trên toàn cầu và Việt Nam chiếm hơn 50% với 173 triệu chiếc. Số lượng lao động trong mảng smartphone của Samsung tại Việt Nam là 110.000 người…
Có thể bạn quan tâm
05:43, 20/07/2018
20:31, 19/07/2018
11:00, 13/07/2018
17:13, 09/07/2018
Samsung đầu tư “khủng” vào Ấn Độ
Đầu tháng 7 này, Samsung đã khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của mình tại Noida, Ấn Độ. Theo đó, tập đoàn này mở rộng quy mô nhà máy được đầu tư từ năm 1995 với quy mô 70.000 lao động này từ 67 triệu chiếc lên tới 120 triệu chiếc smartphone/ năm.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Samsung lại đầu tư “khủng” vào Ấn Độ. Có rất nhiều lý do: Đầu tiên, khi thị trường Trung Quốc bắt đầu bão hoà thì Ấn Độ đang nổi lên là một thị trường đầy tiềm năng. Theo tính toán, Ấn Độ hiện là thị trường tiêu thụ điện thoại lớn trên thế giới với khoảng 650 triệu dân sử dụng điện thoại di động, riêng thị trường smartphone có khoảng 300 triệu người sử dụng. Đáng nói, con số này có thể tăng 50% trong vài năm tới.
Cần những chính sách mới trong ưu đãi
Nhưng rõ ràng, câu chuyện Samsung gia tăng đầu tư vào Ấn Độ không hẳn không có ý nghĩa gì đối với chuyện thu hút FDI của Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh câu chuyện ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn được cho là chưa công bằng. Hiện nay khu vực FDI vẫn được coi là có nhiều ưu đãi hơn khu vực trong nước và khu vực FDI vẫn bị tiếng là đầu tư để tận dụng ưu đãi và hết ưu đãi sẽ lại tìm thị trường khác.
Một số người cho rằng, con số hàng chục ngàn tỷ đồng mà Việt Nam ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI là mất đi. Nhưng theo các chuyên gia, đó không thể coi là các khoản “mất đi”, mà phải được tính là “chi phí cơ hội”. Nếu đặt lên bàn cân giữa con số vài ngàn tỷ ưu đãi thuế và những gì mà Samsung hay các doanh nghiệp FDI đang mang lại cho kinh tế Việt Nam, cán cân rõ ràng nghiêng về bên “được”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc tế, hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào chính sách miễn thuế có thời hạn, chính sách này một phần cũng như các chế độ thuế suất ưu đãi, miễn thuế nhập khẩu và nhân công giá rẻ để thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, cơ chế này chưa phải là phù hợp để Việt Nam đẩy mạnh thu hút FDI mang tính đổi mới sang tạo và sử dụng công nghệ tiên tiến, đòi hỏi lao động có tay nghề cao, có thu nhập cao hơn và thúc đẩy đổi mới và năng lực kinh doanh.
Đã đến lúc Việt Nam cần có khung chính sách mới trong thu hút FDI, trong đó, phải bám sát mục tiêu thu hút từ ưu đãi thuế “thuần tuý lợi nhuận”, sang các chính sách ưu đãi về hành vi như ưu tiên các dự án FDI có chất lượng cao hơn. Trong đó, cần sự chuyển dịch trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho “sản phẩm” của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp (tức là môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai. Nhờ đó, có thể tăng tối đa hiệu ứng lan toả và giá trị gia tăng của FDI.