Trong phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, ưu tiên bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ trọng tâm, nhất là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Đây là một trong những vấn đề trọng tâm được dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) tập trung giải quyết. Nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) được Bộ Tài chính thông tin tại hội nghị thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp cho dự án sửa đổi toàn diện Luật này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh: sửa đổi toàn diện Luật NSNN là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược với việc quản lý, sử dụng tài chính - NSNN của quốc gia, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới, đồng hành cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới; gắn với thực hiện cách mạng về tổ chức nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả.
Một trong những tinh thần quan trọng của dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tạo chủ động, linh hoạt, nâng cao tự chủ của các địa phương theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm”. Đồng thời, phát huy những thành tựu của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thông tin về ông dự thảo Luật NSNN (sửa đổi), ông Vũ Đức Hội - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết: dự thảo Luật tập trung giải quyết 4 vấn đề trọng tâm.
Thứ nhất, đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo hướng tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Cùng với đó tạo điều kiện cho ngân sách địa phương có tính tự chủ, chủ động hơn trong việc huy động, sử dụng nguồn lực phát triển kinh tế xã hội.
Thứ hai, rà soát, sửa đổi các quy định về phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách theo hướng phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp trong việc sử dụng ngân sách. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thứ ba, tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách. Theo đó, dự thảo Luật tăng thẩm quyền cho Chính phủ trong quyết định điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng không làm tăng mức vay, bội chi NSNN. Tăng thẩm quyền cho UBND các cấp ở địa phương quyết định điều chỉnh dự toán chi ngân sách địa phương, sau đó mới báo cáo lại cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, việc xử lý tăng, giảm thu, chi so với dự toán trong quá trình chấp hành NSNN được sửa đổi theo hướng: bỏ quy định thứ tự ưu tiên khi phân bổ số tăng thu và các khoản dự toán chi còn lại của cấp ngân sách, đồng thời mở rộng phạm vi được sử dụng nguồn lực này (bổ sung tăng dự phòng ngân sách và các nhiệm vụ cần thiết khác chưa được bố trí dự toán ngân sách năm sau)... nhằm nâng cao hiệu quả, tính kịp thời trong giải quyết các vấn đề phát sinh.
Thứ tư, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tối ưu hóa quy trình, thủ tục trong công tác lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách.
Cụ thể, cắt giảm các thủ tục liên quan đến quy trình xây dựng và thông báo số kiểm tra thu, chi ngân sách hằng năm và 3 năm; quy trình xây dựng và báo cáo kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm; trình tự và yêu cầu lập dự toán chi, nhất là đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan tài chính và các đơn vị sử dụng ngân sách; rút ngắn thời gian tổng hợp, lập quyết toán ngân sách.
Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).