Theo đó, tỷ lệ GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 2016-2018 chỉ tăng bình quân 4,7%/năm, năm 2018 ước đạt 2.540 USD/năm trong khi mục tiêu đến năm 2020 là từ 3.200 USD - 3.500 USD.
Báo cáo “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019” của Ủy ban Kinh tế nhận định: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 - 2020 sẽ không cao hơn nhiều so với năm 2018.
Có thể bạn quan tâm
04:01, 12/10/2018
09:24, 06/10/2018
04:24, 05/10/2018
Theo đó, báo cáo cho hay, động lực tăng trưởng kinh tế giai đoạn này vẫn xuất phát từ phía cầu là chủ yếu do tăng tiêu dùng nội địa, tăng xuất khẩu tuy nhiên đầu tư trong nước có đóng góp đáng kể hơn, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
Trong khi đó, động lực tăng trưởng từ phía cung có sự dịch chuyển dần từ công nghiệp chế biến, chế tạo sang dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao. Năng suất lao động dần cải thiện hơn trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư và gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp sẽ đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế.
“Dù vậy, việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế do cân đối ngân sách nhà nước sẽ khó khăn hơn, trong khi đầu tư từ các nguồn vốn khác dự báo cũng không tăng nhiều. Kiểm soát lạm phát cũng có khả năng đối mặt với nhiều áp lực hơn”, Ủy ban Kinh tế nhận định.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, Chính phủ có thể đạt được cơ bản các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 cho giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu khó đạt được nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa gồm: tỷ lệ GDP bình quân đầu người, tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch, tiêu hao năng lượng tính trên GDP, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ GDP.
Cụ thể, tỷ lệ GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 2016-2018 chỉ tăng bình quân 4,7%/năm, năm 2018 ước đạt 2.540 USD/năm trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2020 là từ 3.200 USD - 3.500 USD.
Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch hợp vệ sinh tăng chậm, chỉ đạt 86%, trong khi mục tiêu đề ra là tỷ lệ này đạt 95% vào năm 2020.
Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân/năm giảm 0,5%, trong khi mục tiêu đề ra là 1-1,5%.
Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ GDP năm cuối kỳ mới đạt 75,61% tăng không nhiều so với giai đoạn 2011-2015 (72,98%), trong khi mục tiêu đến năm 2020 là 85%.
Bên cạnh đó, khi quan sát mức thay đổi điểm % tỷ lệ lao động qua đào tạo trong giai đoạn 2016-2018, cũng có ý kiến lo ngại về khả năng hoàn thành chỉ tiêu này đến năm 2020;
Chỉ tiêu tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đến nay vẫn chưa có số liệu báo cáo, trong khi đó mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là 95-100% (thực hiện của giai đoạn 2011-2015 là 86%).
Ngoài ra, thực tế phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân nói riêng thời gian qua cho thấy việc đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn.
“Cần đánh giá tính hiệu quả của các chỉ tiêu này trong giai đoạn 2016-2020 để đề xuất cho việc xây dựng hệ thống các chỉ tiêu giai đoạn 5 năm tiếp theo”, Ủy ban Kinh tế nhận xét.