“Vá” lỗ hổng quản lý xăng dầu

Diendandoanhnghiep.vn PGS.TS Tạ Văn Lợi – Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế cho rằng cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước khi thị trường xăng dầu vẫn mang tính đặc thù.

>> Doanh nghiệp xăng dầu nên sử dụng bảo hiểm giá

LTS: Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Bộ Công Thương phải đảm bảo cân đối giữa sản xuất và nhập khẩu xăng dầu. Tuy vậy, để thực sự kiểm soát được thị trường này, theo các chuyên gia, cần “vá” những lỗ hổng trong quản lý xăng dầu. 

PGS.TS Tạ Văn Lợi – Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước khi thị trường xăng dầu vẫn mang tính đặc thù.

- Quan điểm của ông về việc quản lý thị trường xăng dầu hiện nay?

Cơ chế quản lý xăng dầu hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, nước ta đã xác định hai mặt hàng vẫn thuộc quản lý chặt chẽ và duy trì kiểm soát của nhà nước là phân phối điện và xăng dầu. Do đó, việc lệch pha với quy luật cung cầu của thị trường là điều tất yếu. Đến nay các cam kết của Việt Nam với các Hiệp định tự do thương mại vẫn bảo lưu thị trường điện và thị trường xăng dầu. Vì vậy, không thể lấy một tình huống cụ thể để đánh giá cả một quá trình hay một cơ chế vận hành được. Theo tôi, đã lựa chọn cơ chế quản lý đặc thù thì cần có các khung khổ pháp lý phù hợp để quản lý.

- Có điều đặc biệt hơn, đó là mặc dù bán xăng dầu theo giá thị trường nhưng khi kinh doanh gặp khó thì doanh nghiệp sản xuất như Dung Quất, Nghi Sơn... lại có những động thái “ngược thị trường” để đề xuất giải cứu, thưa ông?

Như tôi đã nói, do sự lựa chọn của chúng ta duy trì sự kiểm soát của Nhà nước đối với hai nhóm mặt hàng này nên việc can thiệp vào thị trường là tất yếu. Xét về một vài khía cạnh cụ thể thì thấy chưa công bằng, nhưng xét về lợi ích dài hạn với mục tiêu tự chủ nguồn cung xăng dầu thay vì xuất dầu thô nhập thành phẩm xăng và dầu thì việc lựa chọn đó cũng có phần hợp lý.

>> Ứng phó với giá xăng dầu tăng "nóng": Kinh nghiệm thế giới và giải pháp cho Việt Nam

 Không mua được xăng dầu từ thương nhân đầu mối, khan hiếm xăng dầu cục bộ đã xảy ra ở một loạt các địa phương. Ảnh: BT

Không mua được xăng dầu từ thương nhân đầu mối, khan hiếm xăng dầu cục bộ đã xảy ra ở một loạt các địa phương. Ảnh: BT

Tuy nhiên, bản chất lại nằm ở chỗ tiền đầu tư có hiệu quả không? Lý do kém hiệu quả và tính khả thi khi lập dự án đầu tư như thế nào?... Cụ thể việc kinh doanh cần có cơ chế tài chính phù hợp, đồng thời phải có bộ máy quản trị tài chính giỏi. Tài chính phải đi trước một bước trong các kế hoạch kinh doanh.

Nếu tôi có đủ thông tin thực sự của dự án đó tôi mới có thể tư vấn và chỉ ra những điểm bất hợp lý cho việc xin hỗ trợ. Tuy nhiên, đến mức phải xin hỗ trợ rất dễ vi phạm các cam kết quốc tế về cạnh tranh bình đẳng và trợ cấp.

- Còn doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối thì sao? Bởi xăng dầu là ngành hiếm hoi vẫn đang được hưởng lợi nhuận định mức. Nghĩa là bất kể giá lên hay xuống, cứ bán một lít xăng thì doanh nghiệp đầu mối được hưởng lợi nhuận cố định 300 đồng/lít. Vậy mà, hiện các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối đang “than trời” vì... lỗ, thưa ông?

Có tình trạng “thị trường đặc thù” thì tất yếu có những biểu hiện can thiệp giá. Vì bản thân 300 đồng đó cũng phải trả cho các đại lý các chi phí hợp lý và hợp lệ khi kinh doanh chứ không hẳn là lợi nhuận.

Tuy nhiên, chi phí thế nào là hợp lý, hợp lệ, lãi dự kiến hợp lý vẫn là câu chuyện khó. Chỉ khi nào thông tin minh bạch, luật pháp nghiêm minh thì sẽ đảm bảo hơn thôi. Chúng tôi cũng đề xuất nhiều giải pháp quản trị chi phí, như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… nhằm tăng tính minh bạch hơn.

- Như ông đã chia sẻ, Viện đang có những nghiên cứu để khuyến nghị tới các cơ quan chức năng về vấn đề này. Vậy giải pháp cơ bản cho thị trường xăng dầu là gì, thưa ông?

Sự lựa chọn nào cũng có hai mặt. Theo tôi, có hai sự lựa chọn rất rõ ràng cho việc này.

Một là, chấp nhận cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nhà nước tách chức năng quản lý nhà nước, nhiệm vụ an ninh năng lượng thành một mảng riêng có cơ chế vận hành độc lập với kinh doanh xăng dầu, điện…

Hai là, vẫn lựa chọn sự tham gia và can thiệp của Nhà nước thì cần phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch, có sự tham gia của tất cả các bên liên quan khi ra các quyết định. Hiện tại vì chỉ có một chiều nên nảy sinh rất nhiều ý kiến, phản ứng do mâu thuẫn quyền lợi là tất yếu.

Tuy nhiên, lựa chọn nào cũng cần phải có sự minh bạch và giám sát của tất cả các bên liên quan. Đó là xu thế tất yếu trong hội nhập kinh tế quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Đối với việc giảm giá xăng dầu, Việt Nam hiện không có khả năng để trợ cấp hoặc tìm cách giảm tác động bằng ngân sách Nhà nước. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm những giải pháp khác, mà tối ưu nhất đó là nâng cao hiệu quả ngành vận tải. Nghĩa là tìm cách giảm bớt chi phí về xăng dầu trên một đơn vị vận tải (tấn/km). Ví dụ, chúng ta có thể tận dụng nhiều hơn nữa vận tải đường sắt, đường thủy và hợp lý hóa các khâu vận tải đường bộ.

Bên cạnh đó, giải pháp Quỹ bình ổn xăng dầu cũng hay được đề cập, nhưng Quỹ này chỉ có thể vận dụng ở một mức độ rất hạn chế. Ngoài ra, công tác dự báo, điều hành của Bộ Công Thương cũng cần được thực hiện sát sao để có những phương án linh hoạt, phù hợp ứng phó với tình hình.

Đối với Việt Nam, xăng dầu là một mặt hàng chiến lược trong sản xuất, lưu thông, an sinh xã hội... Vì thế, thay vì sử dụng nhiều xăng dầu, có thể tăng thêm việc sử dụng than và các nguyên liệu khác, như tăng thêm tỷ lệ năng lượng tái tạo, đó đều là những yếu tố mà chúng ta có thể cố gắng được.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Vá” lỗ hổng quản lý xăng dầu tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714387067 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714387067 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10