Cho đến thời điểm hiện tại, các quan chức châu Âu vẫn đang tiến hành đánh giá về việc liệu vắc xin của hãng dược AstraZeneca có gây ra chứng đông máu hay không.
Mới đây, ông Marco Cavaleri, một quan chức cấp cao của Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA), cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ Il Messaggero của Ý rằng, có sự liên quan giữa vắc xin Covid-19 của hãng AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và chứng máu đông trong não hiếm gặp, nhưng không rõ nguyên nhân.
Hiện tại, các nghiên cứu của EMA đặc biệt tập trung vào hai loại máu đông hiếm gặp: một loại xuất hiện trong nhiều mạch máu và một loại khác xuất hiện trong tĩnh mạch lớn. Cơ quan này cũng đang đánh giá các báo cáo về những người có hiện tượng rối loạn đông máu, khiến họ có nguy cơ bị xuất huyết nghiêm trọng.
Không chỉ tại châu Âu, một số bệnh viện tại bang Victoria, Úc cũng đang rà soát lại hồ sơ lâm sàng để tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhiều bệnh nhân có thể đã xảy ra chứng rối loạn đông máu sau khi tiêm vắc-xin.
Có thể thấy, việc xuất hiện hàng chục trường hợp mắc chứng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vắc xin của hãng AstraZzeneca đã làm dấy lên những nghi ngại từ phía các chuyên gia trong khu vực châu Âu. Dữ liệu từ Cơ quan Thuốc Châu Âu cho thấy nguy cơ đông máu sau khi tiêm vắc xin có khả năng cao tới 1/100.000. Hầu hết các trường hợp được ghi nhận trên toàn cầu là ở những người dưới 55 tuổi.
Hai nhóm nghiên cứu y tế độc lập ở Na Uy và Đức cũng đã phát hiện ra rằng vắc xin của hãng dược phẩm này có thể kích hoạt phản ứng tự miễn dịch khiến xuất hiện các cục máu đông trong não. Cụ thể, Pål André Holme, giáo sư huyết học và bác sĩ trưởng của Bệnh viện Đại học Oslo, người đứng đầu cuộc điều tra về các trường hợp đông máu ở Na Uy, cho biết nhóm của ông đã xác định được một loại kháng thể được tạo ra bởi vắc xin AstraZeneca gây ra phản ứng bất lợi.
Trước mắt, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển và Canada được cho là đang cân nhắc việc hạn chế tiêm loại vắc xin này ở những người trẻ tuổi. Trong khi đó, Đan Mạch và Na Uy đã hoàn toàn tạm dừng việc triển khai tiêm AstraZeneca và các cơ quan y tế ở một số quốc gia châu Âu cho biết công dân không muốn tiêm thuốc.
Tương tự, Đại học Oxford cũng đã tạm dừng thử nghiệm lâm sàng tiêm vắc xin AstraZeneca ở trẻ em và thanh thiếu niên trong khi chờ thêm các dữ liệu khác về vấn đề đông máu. Các nhóm cố vấn của Úc cũng đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở Anh và Châu Âu, nơi có nhiều dữ liệu hơn về AstraZeneca để xem xét việc tiêm chủng diện rộng với loại vắc xin này.
Tuy nhiên, chuyên gia khuyến nghị, lợi ích của việc sử dụng vắc xin AstraZeneca trong việc ngăn ngừa COVID-19 dẫn đến nhập viện và tử vong vẫn lớn hơn nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Với tỷ lệ cực kỳ hiếm gặp trong số 11 triệu người đã được tiêm chủng vắc xin AstraZeneca.
Đồng thời mối liên hệ giữa vắc-xin và chứng đông máu chưa được chứng minh một cách rõ ràng, vắc xin của hãng dược này vẫn được khuyên dùng để châu Âu tiếp tục tiêm chủng, trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 lần thứ ba đang tấn công các quốc gia trong khối.
Andreas Greinacher, Giáo sư huyết học tại Phòng khám Đại học Greifswald, Đức đánh giá, rất, rất ít người sẽ phát triển biến chứng đông máu này. Ông cũng cho biết thêm, đây không phải là hiện tượng đáng lo ngại vì nếu nó xảy ra, các bác sĩ đều biết cách điều trị cho các bệnh nhân không rơi vào trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, các quốc gia vẫn có thể triển khai tiêm chủng loại vắc xin này với một số độ tuổi nhất định, chủ yếu là những người cao tuổi. Tiến sĩ Robert Klamroth, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế về Huyết khối và Cầm máu nhận định trên Wall Street Journal, phản ứng tự miễn dịch gây đông máu xảy ra thường xuyên hơn ở Đức vì ban đầu nước này chỉ cho phép tiêm vắc xin cho những người dưới 64 tuổi.
Trong khi đó, Vương quốc Anh có ít trường hợp hơn nhưng lại tiêm chủng nhiều hơn do chủ yếu đối tượng được tiêm là những người lớn tuổi hơn.
Ngoài ra, để phòng ngừa, các cơ quan y tế châu Âu khuyến cáo bất kỳ ai bị đau đầu dai dẳng, hoặc bầm tím ngoài vị trí tiêm sau vài ngày nên đi khám. Sau khi được chẩn đoán, các chuyên gia y tế cho biết, các bác sĩ có thể xem xét điều trị bằng thuốc chống đông máu và globulin miễn dịch.
Có thể bạn quan tâm
Vắc xin COVID-19: Thách thức khá lớn về hạn sử dụng
02:00, 07/04/2021
Bộ Y tế làm việc với EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản về tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam
09:38, 02/04/2021
Tin xấu đến với AstraZeneca, cổ phiếu lập tức giảm 3%
05:55, 24/03/2021
[infographic] Những đối tượng nào không nên tiêm vắc-xin AstraZeneca?
10:14, 19/03/2021