Sự xuất hiện của các đột biến virus SARS-CoV-2 khiến nhu cầu cần có một thế hệ vắc xin mới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Hiện nay, các cơ quan tại Mỹ đã ghi nhận hiện tượng một số người sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Chẳng hạn, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Stephen Lynch của bang Massachusetts đã có kết quả dương tính sau khi tiêm liều thứ hai của vắc xin Pfizer.
Tương tự, giới chức y tế Đức cho biết, một ổ dịch đã bùng phát tại một viện dưỡng lão và hưu trí ở thị trấn Belm thuộc bang Niedersachsen khi phát hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh trong mẫu xét nghiệm của 14 người ở cơ sở này.
Đáng lo ngại, cơ sở nêu trên đều đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) bào chế, với mũi thứ hai được tiêm vào ngày 25/1 vừa qua.
Mặc dù chưa rõ thời điểm các cụ bị nhiễm bệnh và 14 trường hợp nhiễm biến thể phát hiện ở Anh cho đến nay chỉ có những biểu hiện bệnh ở thể nhẹ hoặc hầu như không có triệu chứng, một phần có thể do tác động tích cực từ việc đã được tiêm chủng.
Tuy nhiên, việc nhiễm bệnh cho thấy ngay cả những người được tiêm chủng cũng không miễn dịch được với COVID-19 và vẫn có thể lây lan cho người khác. Theo các chuyên gia, các loại vắc xin hiện nay không cung cấp sự bảo vệ đầy đủ hoặc ngay lập tức, có nghĩa là vẫn có thể bị nhiễm và xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Andrew Pollard, người đứng đầu Nhóm vắc xin Oxford đánh giá, cần vài ngày tới vài tuần để vắc-xin phát huy hiệu quả. "Phải mất một thời gian để phản ứng miễn dịch phát triển. Vì vậy, một người vừa tiêm ngừa có thể nhận kết quả xét nghiệm dương tính vì vắc-xin chưa kịp làm cơ thể sinh kháng thể’, chuyên gia này giải thích.
Những vắc xin này là nhân tố tạo thay đổi trong ngăn chặn dịch bệnh và giảm bớt mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nhưng về tính hiệu quả thì những con số không nói lên được toàn cảnh, vì người được tiêm chủng vẫn có thể mắc các biến chủng của virus.
Mặt khác, các chủng biến thể, đặc biệt là chủng biến thể Nam Phi có một nhóm đột biến đặc biệt đáng lo ngại cho phép vi rus lây lan nhanh hơn và giúp nó trốn tránh hệ thống miễn dịch. Do đó, các loại vắc xin yếu có thể kém hiệu quả hơn đối với một số biến thể mới về mặt ngăn ngừa tất cả các triệu chứng..
Mặc dù vậy, các ca nhiễm ít nghiêm trọng hơn ở những người đã tiêm so với những người chưa tiêm. Các quan chức y tế cho biết, ngay cả với các chủng biến thể, một số loại vắc xin đã ngăn ngừa được rất nhiều trường hợp mắc COVID-19 nhẹ và trung bình.
Trước mắt, trường Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca xác nhận sản phẩm vắc xin của mình chỉ gặp hạn chế trong việc chống lại biến thể SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Nam Phi. Các loại vắc xin còn lại do Johnson & Johnson, Novavax, Moderna và Pfizer - BioNTech sản xuất vẫn đang cho thấy khả năng bảo vệ cao, ngay cả ở những quốc gia có các chủng biến thể mới.
Các loại virus như SARS-CoV-2 luôn đột biến và đó là một lý do khác để mọi người được chủng ngừa đầy đủ càng nhanh càng tốt. Chính vì vậy, Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ đã kêu gọi các nước thúc đẩy chiến lược tiêm phòng diện rộng đối với các loại vắc xin khác nhau.
"Nếu chúng ta ngăn chặn sự phát triển của virus bằng cách tiêm chủng rộng rãi. Điều này không chỉ bảo vệ người dân khỏi mắc bệnh mà còn ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể”, chuyên gia này nhận định. Bên cạnh đó, các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, hạn chế đi lại… cần được tuân thủ nghiêm ngặt ngay cả sau khi tiêm chủng cho đến khi mức độ lây lan của virus trong cộng đồng ở mức thấp.
Có thể bạn quan tâm
Châu Âu cảnh giác với vắc xin COVID-19 của Trung Quốc!
07:00, 06/02/2021
Các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ vắc xin ngừa COVID-19 cho Việt Nam
18:50, 05/02/2021
Bộ Y tế tiếp nhận ủng hộ 21 tỷ đồng cho Quỹ mua vắc xin phòng chống dịch COVID-19
11:11, 05/02/2021
Biến thể SARS-CoV-2 và nỗi lo kháng vắc xin
05:30, 28/01/2021