Bất chấp thông điệp khải hoàn từ Tổng thống Vladimir Putin, giới chuyên gia đặt ra nhiều hoài nghi về vắc xin COVID-19, thậm chí cho rằng đây không phải “thành công rõ ràng”.
Tổng thống Vladimir Putin hôm nay tuyên bố Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho một vaccine COVID-19, chỉ sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người. Giới chức hy vọng bước đột phá này sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đang bị tổn hại nghiêm trọng vì đại dịch.
Kirill Dmitriev, giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), so sánh việc tìm ra vaccine COVID-19 như "khoảnh khắc Sputnik" lịch sử, khi Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên trên thế giới lên vũ trụ vào năm 1957. Vắc xin cũng được đặt tên là "Sputnik V", theo tên vệ tinh "Sputnik 1".
Tuy nhiên, bất chấp thông điệp khải hoàn từ Putin, giới chuyên gia vẫn lo ngại về vắc xin COVID-19 của Nga cũng như mục đích nước này quyết "đi trước thế giới".
"Điều này thật kỳ quặc. Putin không có vắc xin. Ông ấy chỉ đang đưa ra tuyên bố chính trị", John Moore, nhà virus học tại Đại học Y khoa Weill Cornell ở New York, Mỹ, nêu ý kiến.
Bởi theo giới chuyên gia, Bộ Y tế Nga đã phê duyệt vắc xin này trước cả khi bắt đầu tiến hành bước thử nghiệm quan trọng trên quy mô hàng nghìn người, được gọi là thử nghiệm Giai đoạn III. Quá trình này đòi hỏi một tỷ lệ người tham gia nhất định tiếp xúc với virus để theo dõi hiệu quả của vắc xin, thường được coi là tiền đề cần thiết giúp vắc xin được cơ quan quản lý chấp thuận.
“Thậm chí, với các nhà khoa học trên thế giới và kể cả một số nhà khoa học Nga thì việc này không thực sự là một “thành công rõ ràng” mà là một “bước đi nguy hiểm”. Sự lo lắng này giống như việc một chiếc máy bay mới được chế tạo, chưa qua hết các quy trình kiểm tra chất lượng & an toàn nhưng đã sẵn sàng chở khách lên bầu trời”, TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City Of Hope (Mỹ) nhận định.
Phân tích rõ việc “đốt cháy giai đoạn” của Nga, TS Nguyễn Hồng Vũ cho biết, vắc xin COVID-19 của Nga, Sputnik V, đây là một loại vắc xin được phát triển dựa trên nền tảng sử dụng 1 loại virus khác (trong trường hợp này là adenoviruses) ít độc hơn, mang 1 phần của virus nCoV (trong trường hợp này là protein S). Vắc xin này được thiết kế để chích vào cơ (intramuscular injection) của cơ thể người và virus này sẽ tổng hợp protein S của virus nCoV, qua đó hệ miễn dịch học được cách nhận biết virus nCoV qua cách nhận biết protein S này.
Điều đáng nói, vắc xin này chưa được trải qua thí nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, giai đoạn cần nhiều người tham gia (từ vài trăm, vài ngàn đến vài chục ngàn người) và có các nhóm đối chứng được thiết kế chặt chẽ (để khách quan, các nhóm trong thí nghiệm được chia ngẫu nhiên, người thử nghiệm và người trực tiếp chích vaccine không biết mình thuộc nhóm nào). Giai đoạn 3 là giai đoạn quan trọng nhất, khó khăn nhất và thử thách nhiều nhất để “chứng minh” độ an toàn và hiệu quả của thuốc/vắc xin trước khi được chính thức chấp nhận bởi tổ chức y tế chính phủ cho phép sử dụng đại trà.
Trong khi đó Sputnik V chỉ mới bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào ngày 18 tháng 6 vừa qua với tên gọi “Gam-COVID-Vac” (Gam được viết tắt cho tên của viện nghiên cứu Gamaleya) trong 2 thử nghiệm có mã số NCT04436471 và NCT04437875 với 38 người ở mỗi thí nghiệm.
Bên cạnh đó, các thông tin khoa học liên quan đến vắc xin này đều không được biết rộng rãi, thậm chí kết quả nghiên cứu của vắc xin cũng không được ghi nhận trên trang web https://clinicaltrials.gov, nơi mà 2 thử nghiệm lâm sàng trên được đăng ký. Điều này làm cho các nhà khoa học khó mà có cơ sở để đánh giá vắc xin này.
Đồng quan điểm, ông Daniel Salmon, giám đốc Viện An toàn Vaccin tại Đại học Johns Hopkins, nhận định: "Tôi nghĩ quyết định của Nga thực sự đáng sợ và ẩn chứa nhiều rủi ro".
Ông và những chuyên gia khác đều cho rằng Nga đang mạo hiểm khi "đốt cháy" giai đoạn thử nghiệm thứ ba, cơ sở để xác định hiệu quả của vaccine và đảm bảo nó không gây hại cho một số đối tượng nhất định.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết vắc xin ngừa COVID-19 do Nga phát triển cần được kiểm tra nhiều khâu để được WHO cấp phép xuất khẩu.
Hiện tại, có tổng cộng 165 loại vắc xin xin ngừa COVID-19 đang được phát triển toàn cầu, theo số liệu cập nhật đến ngày 31/7 của WHO. Trong số đó, 139 loại trong giai đoạn tiền thử nghiệm lâm sàng và 26 loại đang được thử nghiệm trên người.
Vắc xin của Nga thuộc nhóm chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên. Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết sẽ bước thẳng vào giai đoạn 3 vào ngày 12/8 và việc sản xuất đại trà dự kiến bắt đầu từ tháng 9.
RDIF là đơn vị cấp kinh phí cho việc phát triển vắc xin ngừa COVID-19 Sputnik V. Ông Dmitriev nói Nga sẽ phối hợp với 5 nước để phát triển hơn 500 triệu liều mỗi năm và sau đó gia tăng năng suất.
Có thể bạn quan tâm
12:00, 12/08/2020
18:04, 11/08/2020
14:40, 10/08/2020
06:01, 10/08/2020
08:12, 08/08/2020
10:44, 29/07/2020
09:59, 14/07/2020
08:43, 13/07/2020