Với tiềm năng, lợi thế của mảnh đất Bắc Trung bộ đòi hỏi một chính sách mở cửa, thu hút các sếu đầu đàn, huy động nguồn lực cho phát triển.
Vùng kinh tế Bắc Trung Bộ đang đứng trước một cơ hội lớn – cơ hội phát triển và tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng trưởng theo chiều sâu nhưng lại thiếu nguồn lực tương ứng cho phát triển.
Lực cản của phát triển
Theo ông Nguyễn Tiến Trình, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Hà Tĩnh cho biết, nhiều điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp vùng Bắc Trung Bộ. “Ngay cả việc nắm bắt, tiếp cận những chính sách, ưu đãi của Nhà nước cũng gặp khó khăn. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp không có nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, cơ hội liên kết cũng hạn chế và tư duy phát triển còn rụt rè”, ông Trình nhận định.
Có thể bạn quan tâm
17:20, 18/10/2019
11:25, 18/10/2019
Cùng với đó, nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, khiến lợi thế phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ lại trở thành lĩnh vực nhiều rủi ro với nhà đầu tư. “Doanh nghiệp đầu tư cả khu nghỉ dưỡng lớn nhưng khai thác cả năm chỉ được 3-4 tháng khiến nhiều nhà đầu tư cũng nản lòng, chưa nói đến việc xin cấp phép đầu tư cho dự án quá lâu và quá phức tạp”, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC nói.
Theo đó, doanh nghiệp phải chờ đợi vài ba tháng mới có được một văn bản trả lời từ một Bộ, ngành, địa phương là điều không hiếm.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá, sự thiếu hoàn thiện của kết cấu hạ tầng vùng Bắc Trung Bộ bao gồm cả phần cứng và mềm cũng là lực cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Hạ tầng giao thông đường bộ vẫn là phương thức vận tải chính nhưng tính liên kết còn yếu, năng lực khai thác của một đoạn tuyến đường bộ quy mô thấp, chất lượng xấu, một số bến cảng biển đã vượt công suất... Khả năng liên kết giữa các phương thức vận tải còn chưa cao, tổ chức vận tải trong khu vực chủ yếu còn ở dạng đơn phương thức...
Hình thành cụm liên kết vùng theo ngành
Trên thực tế, mặc dù là một trong 7 vùng kinh tế được Chính phủ giao lập Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội nhưng số doanh nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ chỉ có gần 40.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 5,5% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước. Giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, cần tiếp tục xúc tiến xây dựng hệ thống giao thông ven biển các tỉnh, phục vụ doanh nghiệp phát triển du lịch, phát triển các khu đô thị ven biển. Đồng thời nâng cấp, phát triển mạng lưới logistics tại các cảng biển phục vụ xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.
“Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực Bắc miền trung. Theo đó, mỗi tỉnh đề xuất 3-5 cụm ngành, sản phẩm mà địa phương có thế mạnh để tham gia cụm liên kết và kêu gọi đầu tư”, ông Nguyễn Dung nhấn mạnh.