Đây là bình luận của ông Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính khi bình luận về chất lượng của thông tư, công văn được soạn thảo và ban hành bởi các bộ ngành.
Nhìn lại hệ thống văn bản dưới Luật và Nghị định, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết chỉ trong 10 năm từ 2011 đến 2020 đã có… 5.265 thông tư, thông tư liên tịch ra đời. Riêng khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2020 có 2.532 thông tư. Có nghĩa là mỗi năm có tới hơn 500 thông tư được ban hành.
Nhưng điều khiến doanh nghiệp e ngại không phải là số lượng các thông tư mà chất lượng của các văn bản này. Theo quy định, Thông tư là văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ ban hành có chức năng quy định chi tiết các quy định được giao trong Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, Pháp lệnh, Luật. Đặc biệt Thông tư được quy định thủ tục hành chính (trừ trường hợp Luật, Pháp lệnh giao) và không được quy định điều kiện kinh doanh.
Ông Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính, cho rằng nếu nhìn thực trạng ban hành văn bản pháp luật Việt Nam, cái “đau” hiện nay là lợi ích ngành được đặt cao hơn so với lợi ích tổng thể đất nước, của quốc gia và doanh nghiệp.
Đơn cử như Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, giờ có Quy hoạch điện 8, không tính toán được, không dự báo được môi trường phát triển của năng lượng tái tạo đó là mặt trời và điện gió.
Lý do đưa ra là do đường truyền tải không đáp ứng được yêu cầu nên không đấu nối, không mua điện của các doanh nghiệp điện mặt trời nữa, trong khi chúng ta thiếu điện, nhập khẩu điện từ Trung Quốc và các nước khác. Hậu quả là doanh nghiệp đầu tư tiền và ngân hàng cho vay tiền làm năng lượng tái tạo (105.000 tỷ đồng) chịu thiệt hại.
Bên cạnh đó, tình trạng ngôn ngữ trong văn bản của Thông tư, công văn nhiều khi chung chung, khó thực hiện, hiểu kiểu gì cũng đúng.
Cũng theo ông Hòe, tư duy chính sách và cách tiếp cận cũng như chất lượng của đội ngũ soạn thảo chính sách của các bộ ngành còn nặng về hành chính, mệnh lệnh, đi theo lối mòn, nhiều bộ ngành chưa theo nguyên tắc thị trường. Tức là không quản được thì chưa cho phép.
“Chất lượng soạn thảo văn bản của Việt Nam thấp, không đạt yêu cầu là do câu chuyện “kính chuyển” của chúng ta quá nhiều. 6 cái “kính chuyển” mới đến đến người soạn thảo. Bộ trưởng “kính chuyển” Thứ trưởng, Thứ trưởng “kính chuyển” Vụ trưởng, Vụ trưởng “kính chuyển” Vụ phó, Vụ phó “kính chuyển” Trưởng phòng, Trưởng phòng “kính chuyển” Phó phòng, Phó phòng “kính chuyển” chuyên viên.
Trong khi chuyên viên mới ra trường được vài năm, làm sao đảm bảo được chất lượng văn bản? Chuyên viên sẽ copy và dán tất cả những gì cũ vào”, ông Hoè nêu thực trạng.
Nguyên nhân nữa, ông Hoè cho rằng, không có bộ chỉ tiêu KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) cho soạn thảo chính sách. Theo văn bản quy phạm pháp luật, trước khi trình luật có Nghị định chi tiết, trình Nghị định phải có Thông tư hướng dẫn, tuy nhiên tình trạng phải chờ… luôn xảy ra và không theo kịp thị trường. Như vậy, rõ ràng doanh nghiệp không tiếp cận được và mất nhiều cơ hội.
Do đó, ông Hoè kiến nghị, với cách mạng công nghiệp 4.0 cần có cuộc đổi mới rất lớn về tư duy làm chính sách ở Việt Nam. Nếu không chúng ta vẫn đi theo lối mòn cũ thì không bao giờ đáp ứng kịp nhu cầu thị trường.
Cần có cuộc đổi mới rất mạnh mẽ về tư duy của những người làm chính sách. Bởi mô hình kinh doanh đã thay đổi, cách kinh doanh thay đổi… Tư duy chính sách phải thay đổi, phải mở, cân bằng giữa lợi ích và rủi ro.
Phải có bộ chỉ tiêu KPI cho các lãnh đạo Bộ cũng như chuyên viên làm chính sách. Ở đó có cả phần thưởng và kỷ luật, xử phạt, đánh vào trách nhiệm của chính họ. Bộ Nội vụ, văn phòng Chính phủ phải kết hợp để đưa ra bộ chỉ tiêu này.
Vì vẫn có hiện tượng một vấn đề nhưng mỗi Bộ quy định một kiểu nên cần tích hợp các chính sách các bộ ngành lại với nhau, đưa ra bộ chuẩn quốc gia áp dụng theo thông lệ quốc tế.
Để tra soát, giải quyết một vấn đề ở Việt Nam hiện còn quá nhiều pháp luật, quá nhiều văn bản từ luật đến Nghị định đến Thông tư, các Thông tư bổ sung sửa đổi… Nên phải thay đổi ngay từ kỹ thuật soạn thảo cũng như cách lưu trữ, sửa đổi văn bản thì mới tạo điều kiện rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Trong buổi làm việc với Bộ Tư Pháp gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra yêu cầu cấp thiết: “Đối với những quy định ở các luật, pháp lệnh đang còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội thì nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết cả gói trình Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ nhất để xử lý tổng thể, kịp thời”.
Trách nhiệm của Bộ Tư Pháp là rà soát, thậm chí nhanh chóng “tuýt còi” các thông tư kém chất lượng nhằm “dẹp những hòn đá tảng” đang hằng ngày hành doanh nghiệp.
Bài 7: Cần chế tài xử lý văn bản… kém chất lượng
Có thể bạn quan tâm
Văn bản quy phạm kém chất lượng - Bài 1: Thông tư "đá" luật
04:00, 28/06/2021
Văn bản quy phạm kém chất lượng - Bài 2: "Cong" với nghị định - "Vênh" giữa các bộ
04:50, 29/06/2021
Văn bản kém chất lượng - Bài 3: "Ám ảnh" công văn hướng dẫn
04:30, 30/06/2021
Văn bản kém chất lượng - Bài 4: Bất nhất trong thực thi pháp luật
04:30, 01/07/2021