Vẫn cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước

NGUYỄN VIỆT 14/08/2023 19:10

Cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 88 về việc biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước. Nghị quyết 122 năm 2020 chỉ là "giải pháp tình thế" chứ không phủ nhận Nghị quyết 88.

>>Quốc hội "chốt" áp trần giá vé máy bay, sách giáo khoa

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên  phiên giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa chiều 14/8.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 122 năm 2020 (kỳ họp 9 Quốc hội khóa XIV) của Quốc hội chỉ là "giải pháp tình thế" chứ không phủ nhận Nghị quyết 88 về việc giao cho Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 88 về việc biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, và cho rằng vẫn cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

"Nếu thấy cần điều chỉnh Nghị quyết 88 thì Chính phủ phải báo cáo Quốc hội, nêu rõ lý do tại sao không biên soạn một bộ sách giáo khoa và lý do không biên soạn bộ sách giáo khoa của Nhà nước. Còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền về vấn đề này", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội nêu rõ: “Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn khác”.

>>Hai bộ sách giáo khoa “biến mất” với 1 năm tuổi thọ

>>Sách giáo khoa, chương trình mới và giáo viên cốt cán

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

"Như vậy, kiến nghị của Đoàn giám sát đưa ra trên cơ sở Nghị quyết 88", ông Chiến nói và cho rằng, thời gian tới các cơ quan cần tiếp tục bàn thảo thấu đáo, nhuần nhuyễn về nội dung này.

Trước đó, phát biểu tại phiên giám sát Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ kiến nghị về việc giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong phiên làm việc giữa đoàn giám sát và Chính phủ cuối tháng 7 đã nêu một số ý kiến phân tích và kiến nghị về việc này.

Theo đó, dường như vẫn đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới.

"Nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không?", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt vấn đề.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu thêm trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?

“Đoàn giám sát đã rất quan tâm tới một vấn đề nóng của giáo dục để hỗ trợ, nhưng cách quan tâm này liệu đã phù hợp với sách giáo khoa với tư cách tồn tại mới của chúng hay chưa? Điều này không phải vấn đề kỹ thuật hay vấn đề quản lý, mà liên quan tới tinh thần cốt lõi của đổi mới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Bộ đang quyết tâm hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng sách giáo khoa và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học.

“Việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, hệ trọng hơn còn có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nếu lo lắng về an toàn an ninh sách giáo khoa thì điều này cũng không thành vấn đề, vì Nhà xuất bản Giáo Dục là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm bản quyền 2 bộ sách giáo khoa.

Sách giáo khoa cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định. Như vậy, điều này cũng rất khác với nội dung nghị quyết 122/2020 của Quốc hội cho phép bộ chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn.

"Hiện nay tất cả các môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn, do đó tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ sách không giải quyết được vấn đề", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói thêm.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá, hiện nay đang giữa chặng đường, những khó khăn ban đầu là khó tránh khỏi, nhưng đang được khắc phục, cải thiện và ngày càng tốt lên. 

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội "chốt" áp trần giá vé máy bay, sách giáo khoa

    17:11, 19/06/2023

  • Hai bộ sách giáo khoa “biến mất” với 1 năm tuổi thọ

    17:04, 31/10/2022

  • Sách giáo khoa, chương trình mới và giáo viên cốt cán

    04:00, 15/10/2022

  • Một hay nhiều bộ sách giáo khoa?

    03:30, 08/10/2022

  • Bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

    17:39, 19/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vẫn cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO