Vẫn chuyện quá tải bệnh viện công

SÔNG HÀN 08/01/2021 04:00

Việc giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện là vấn đề cực kỳ bức xúc kéo dài nhiều năm, nhưng chưa được khắc phục làm cho người bệnh và thân nhân người bệnh vô cùng vất vả, gian nan.

Quá tải bệnh viện tuyến Trung ương (ảnh chụp tại Bệnh viện Bạch Mai) - Ảnh: HẢI NGUYỄN

Quá tải bệnh viện tuyến Trung ương (ảnh chụp tại Bệnh viện Bạch Mai) - Ảnh: Hải Nguyên.

Phát biểu tại Hội nghị Y tế toàn quốc vào ngày 06/1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện Trung ương và tuyến cuối chưa khắc phục tốt, giải pháp nào đặt ra trong năm 2021… Bản thân ngành y tế cũng phải biến nguy cơ thành thời cơ để tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện trong thời gian đến”.

Năm 2020 là một năm dài đối với những “chiến sĩ áo trắng”, những người đã nỗ lực, dấn thân, nhất là những người trực tiếp phòng chống đại dịch COVID-19 với tinh thần không quản khó khăn, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, cùng với lực lượng quân đội, công an, ngoại giao… để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

Tuy nhiên, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra thì vấn đề quá tải bệnh viện vẫn đang là câu chuyện nhức nhối, và nó không thể giải quyết nhanh chóng trong ngày một ngày hai. Nhưng việc này không có nghĩa là kéo dài hết nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác.

Thực tế cho thấy, chúng ta có khá nhiều bệnh viện, trạm y tế còn trống, không có hoặc chỉ lèo tèo vài ba bệnh nhân, trong khi bệnh nhân tập trung vào các bệnh viện tuyến trên. Những sai lầm phân tuyến sẽ còn đeo đuổi chúng ta một thời gian nữa, khi mà những biện pháp mà Bộ Y tế đưa ra thời gian qua chưa phát huy hết hiệu quả.

Nói cách khác, khi chất lượng giữa các tuyến không đồng đều thì người dân sẽ đổ về các bệnh viện lớn, dẫn đến bệnh viện lớn thì quá tải, kéo theo đó chất lượng khám chữa bệnh sẽ giảm xuống, ngược lại bệnh viện huyện, tỉnh thì thưa thớt, vắng vẻ. Vậy có phải chúng ta đã lãng phí một nguồn lực lớn về y tế?

Nói thẳng ra, đội ngũ y, bác sĩ của Việt Nam rất giỏi. Nhưng những sai lầm từ bệnh viện tuyến dưới làm người dân không đủ tự tin để giao sức khỏe và mạng sống của mình vào nơi mình không yên tâm. Do đó, họ vẫn phải vượt hàng trăm cây số để đến khám chữa bệnh ở các bệnh viện lớn.

Một chuyên gia y tế cho rằng: “Việc khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương thật sự quá tải. Điều này có phần do lực hút từ bệnh viện tuyến trên để tăng nguồn thu, đã gây ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh của những ca bệnh thực sự cần phải điều trị ở các bệnh viện này. Do bị quá tải bởi các ca bệnh thông thường khác mà có thể được điều trị tốt ở các cơ sở y tế tuyến dưới”.

Thêm vấn đề cần phải nói ở chỗ, việc từ chối những bệnh viện tuyến tỉnh, huyện để xin chuyển tuyến chữa trị ở các bệnh viện lớn, với những bệnh có mức nguy hiểm bình thường của người Việt Nam hiện nay cũng là một sai sót. Việc tập trung quá nhiều để khám và chữa bệnh tại những bệnh viện quá tải, thì càng có nhiều nguy cơ gây nên sai sót ngày một nhiều.

Cần nhắc lại, những năm qua sự cố y khoa không chỉ là hồi chuông cảnh báo cho ngành y mà còn làm rúng động dư luận xã hội: Năm 2017 có 8 người chết trong sự cố chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, 4 trẻ sơ sinh tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh; Năm 2018 tại Bệnh viện 108 đã chỉ định siêu âm thai cho cụ ông 85 tuổi…v..v.

B

Nhà ước Úc khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế.

Liên quan đến vấn đề quá tải bệnh viện, nhìn rộng ra chúng ta cần phải nhắc đến nước Úc. Những khu vực nào, những lĩnh vực nào trong y tế có thể mang lại lợi nhuận, nhà nước Úc khuyến khích tư nhân đầu tư. Nhà nước chỉ lo cho những khu vực và những lĩnh vực không sinh lời.

Song song, để giải quyết bài toán nhân sự, chính phủ Úc cho phép các bác sĩ được ký hợp đồng với nhiều cơ sở, không phân biệt công tư, và hoàn toàn không có chế độ biên chế, công chức hay viên chức trong các bệnh viện nhà nước.

Nhìn lại hệ thống ngành y, chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết câu chuyện quá tải bệnh viện công. Đáng chú ý, vấn đề xã hội hóa y tế là chủ trương lớn mang tính chất nhất quán của Đảng và Nhà nước. Con đường đi rất đúng, rất phù hợp với sự chuyển đổi từ một nền y tế bao cấp sang một ngành dịch vụ.

Thời gian qua đã thu hút các nguồn lực xã hội hình thành nhiều bệnh viện tư trong cả nước, trong đó có nhiều bệnh viện được trang bị hiện đại, chất lượng tốt, khá nhiều người dân đến khám, chữa bệnh góp phần giảm tải các bệnh viện công.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng Triển khai những đề án như: Đề án giảm tải bệnh viện; Đề án cải tiến quy trình khám bệnh; Đề án Bác sĩ gia đình; Đề án Nâng cao năng lực công tác kiểm chuẩn chất lượng hệ thống xét nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh; Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Hoặc, khắc phục đầu tư dàn trải, tập trung ngân sách để xây dựng nhiều cơ sở y tế mới…v..v.

Có thể nói, bài toán giảm tải không thể giải quyết ngày một ngày hai.  Nhưng xét cho cùng, dưới góc nhìn của dư luận thì hệ thống y tế, cũng giống như bất kỳ hệ thống nào khác, chỉ an toàn khi nào sai sót được nghi nhận và sửa đổi kịp thời.

Tức là, thay vì thực hiện, giải thích nhiều đề án “cao siêu”, dư luận chỉ quan tâm vấn đề cụ thể, ngay trước mắt đó là:  Đã qua nhiều năm kể từ khi các bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm đôi. Hoặc, việc tăng giá viện phí cũng đã đi được một chặng đường khá dài... Vậy mà vẫn tồn tại tình trạng quá tải bệnh viện?

Nói như Thủ tướng thì bản thân ngành y tế cũng phải biến nguy cơ thành thời cơ để tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính phủ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện

    13:10, 06/01/2021

  • Năm 2020 sẽ khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện

    09:00, 11/02/2018

  • Phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện

    00:00, 11/01/2013

Có thể bạn quan tâm

  • Chính phủ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện

    13:10, 06/01/2021

  • Năm 2020 sẽ khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện

    09:00, 11/02/2018

  • Phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện

    00:00, 11/01/2013

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vẫn chuyện quá tải bệnh viện công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO