Công tác cải cách môi trường kinh doanh vẫn còn đó những “ách tắc”, đặc biệt là những bất cập chính sách dẫn đến nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả…
>>Mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2023
Năm 2023, Chính phủ gộp Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào Nghị quyết số 01/NQ-CP nhằm khẳng định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trong điều hành và phát triển kinh tế xã hội.
Những tín hiệu tích cực…
Báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho thấy, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực tháo gỡ rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục được nhìn nhận là điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới.
Thực tế, trong tháng 01/2023, cả nước có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (tăng 0,7% so với tháng 12/2022). Đồng thời, có 15,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 146,8% so với tháng 12/2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2023 lên 25,9 nghìn doanh nghiệp (giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước).
Đáng nói, các chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, trên một số bảng xếp hạng năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021. Trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí thứ 90 lên vị trí thứ 84; Chỉ số thành phần Tự do kinh doanh tăng điểm mạnh với mức tăng 8,4 điểm (từ 65,2 lên 73,6 điểm); Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc (UN) duy trì thứ hạng 86, nhưng điểm số có cải thiện…
Ở trong nước, theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021), chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực so với những năm trước đây.
>>“Tăng tốc” cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2023
Còn những bất cập về chính sách
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có bất cập chính sách dẫn đến nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả…
Thực tế cho thấy, vẫn còn tình trạng văn bản pháp luật thiếu thống nhất, không phù hợp, không khả thi, khác biệt (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên,…) đã tồn tại từ lâu, nhưng chậm được giải quyết.
Mặc dù Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật (năm 2022), đồng thời sửa đổi, bổ sung tương ứng hàng loạt các Nghị định liên quan. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật liên quan chủ yếu giải quyết một số vướng mắc trong phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công, đầu tư bằng vốn ODA, một số dự án PPP, dự án xây dựng nhà ở và đô thị; giải quyết một phần vướng mắc về quyền sử dụng đất cho dự án nhà ở thương mại, đô thị,… Những vướng mắc cốt lõi tồn tại từ nhiều năm trước đây cơ bản vẫn còn nguyên và thậm chí chưa có phương án giải quyết.
Bên cạnh đó, cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bất cập chính sách còn thể hiện qua những điểm bất hợp lý, chưa phù hợp, hay trái với thông lệ quốc tế. Đơn cử như: Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm quy định: Muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt (áp dụng từ 15/3/2017) và Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm (áp dụng từ 15/3/2018).
Theo phản ánh của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, các quy định này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm gia tăng chi phí quá mức, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; trong khi không đạt hiệu quả quản lý, không phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro và thông lệ quốc tế cũng như dẫn đến nguy cơ tổn hại sức khỏe cho một bộ phận người dân (những người đủ hoặc thừa i-ốt nếu dùng thực phẩm bổ sung i-ốt sẽ tăng nguy cơ bệnh cường giáp).
Chưa kể, điều kiện kinh doanh vẫn tiếp tục là rào cản đối với doanh nghiệp khi quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý. Trong đó, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy được cho là một trong những ví dụ điển hình khi điều kiện đưa ra quá khắc nghiệt và làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp...
Có thể bạn quan tâm
Mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2023
00:50, 26/01/2023
VCCI Cần Thơ: Nỗ lực khởi tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp
01:30, 25/01/2023
Điện Biên: Khơi thông “điểm nghẽn” môi trường kinh doanh
16:04, 24/01/2023
“Tăng tốc” cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2023
11:30, 24/01/2023
Cần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh trong năm 2023
03:40, 29/12/2022
Còn nhiều rào cản pháp lý "làm khó" môi trường kinh doanh
00:10, 13/11/2022