Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh một số văn bản đã được soạn thảo/ban hành vẫn còn thấp thoáng của “tư duy cũ” khi áp đặt các biện pháp quản lý khắt khe quá mức cần thiết.
Báo cáo Dòng chảy Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố.
Đây là một trong những ấn phẩm nổi bật của VCCI về pháp luật kinh doanh.
Thấp thoáng tư duy cũ trong soạn thảo chính sách
Nhìn lại Dòng chảy pháp luật kinh doanh trong thời gian qua, VCCI nhận định “quyền tự do kinh doanh” ngày càng được nhấn mạnh và thể hiện theo hướng ngày càng rộng mở trong Hiến pháp (1992, 2013) đến các văn bản pháp luật quan trọng, nền tảng của hoạt động kinh doanh như Luật Doanh nghiệp (2005, 2014, 2020), Luật Đầu tư (2005, 2014, 2020), tư duy quản lý về kinh doanh của các nhà soạn chính sách đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
VCCI đánh giá, trong mấy năm trở lại đây, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động thúc đẩy môi trường kinh doanh, đặc biệt liên quan đến cải cách thể chế. Các đợt rà soát để cắt bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính liên tiếp được tiến hành.
Các quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ khi ban hành, chính sách quản lý về kinh doanh cũng cởi mở và thông thoáng hơn, thể hiện đậm nét quan điểm về “quyền tự do kinh doanh” của doanh nghiệp, người dân.
Về cơ bản, các văn bản pháp luật về kinh doanh được soạn thảo và/hoặc ban hành trong năm nay đã thể hiện được đúng hướng về tinh thần cải cách, thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh mà Chính phủ đã đề ra và theo đuổi trong suốt thời gian qua. Nhưng điều này không có nghĩa là các chính sách hiện tại đã hoàn hảo
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì trong năm 2020, một số văn bản đã được soạn thảo/ban hành vẫn còn thấp thoáng của “tư duy cũ”– áp đặt các biện pháp quản lý khắt khe quá mức cần thiết; chưa tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp dân doanh hoạt động hay thủ tục hành chính còn chưa minh bạch.
Gia tăng biện pháp quản lý quá mức cần thiết?
Ông Tuấn dẫn chứng theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ chế quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu là cấp phép cho từng hoạt động.
Cơ chế này có thể là hợp lý, bởi vì đối tượng cần quản lý ở đây là từng hoạt động/sự kiện nghệ thuật cụ thể (chương trình biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu, thời trang) – xem xét các hoạt động này có nội dung vi phạm các chuẩn mực đạo đức, truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục hay không?
Cuối năm 2019, đầu năm 2020, dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP đã được soạn thảo, trong đó đã thay đổi cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh này.
“Cụ thể, bên cạnh cơ chế quản lý theo hoạt động như hiện tại, dự thảo đã bổ sung thêm cơ chế quản lý theo chủ thể kinh doanh bằng cách bổ sung thêm quy định về điều kiện kinh doanh của các chủ thể cung cấp dịch vụ này”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh quan điểm đây là biện pháp quản lý này là chặt chẽ quá mức cần thiết.
Từ những lập luận ở trên, ông Tuấn cho rằng đối tượng cần quản lý trong hoạt động kinh doanh này chính là các hoạt động/sự kiện nghệ thuật. Và các đối tượng này đã được kiểm soát thông qua giấy phép được cấp cho từng hoạt động/sự kiện. Như vậy, nguy cơ có thể tác động đến các lợi ích công cộng đã được kiểm soát một cách tuyệt đối. Do đó, đặt ra điều kiện đối với chủ thể cung cấp dịch vụ là không phục vụ gì cho mục tiêu quản lý (vì doanh nghiệp có thể đã đáp ứng tất cả các điều kiện yêu cầu khi xin phép hoạt động nhưng không có gì bảo đảm rằng một hoạt động nghệ thuật cụ thể mà doanh nghiệp này tổ chức đáp ứng yêu cầu) và đây là biện pháp quản lý chưa hợp lý và sẽ tạo rào cản đáng kể cho các chủ thể muốn kinh doanh trong lĩnh vực này
Theo quan điểm của ông Tuấn cũng như nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người mẫu, lĩnh vực thẩm định giá cũng dự kiến bổ sung thêm điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thẩm định giá và bổ sung về nghĩa vụ của thẩm định viên về giá hành nghề trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2013/NĐ-CP được soạn thảo cuối 2019 và trong năm 2020.
Dự thảo Nghị định đã bổ sung điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá (yêu cầu về số năm kinh nghiệm và số lượng tối thiểu bộ Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá đã ký) với mục đích là “đảm bảo chất lượng của dịch vụ cung cấp”, “hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá giữa các doanh nghiệp thẩm định giá” và cơ quan soạn thảo cho rằng quy định này là đảm bảo về tính pháp lý do “phù hợp với Luật Đầu tư 2014 khi xác định thẩm định giá là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.
“Chưa bàn đến tính hợp lý và khả năng đáp ứng được mục tiêu quản lý hay không, việc bổ sung thêm điều kiện cho người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá là chưa phù hợp với Luật Giá về điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thẩm định giá. Thẩm định giá là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư – việc ban hành điều kiện kinh doanh cho ngành nghề này là phù hợp, tuy nhiên những điều kiện kinh doanh thể hiện cụ thể như thế nào tại Nghị định phải phù hợp với Luật Giá” ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Tuấn, tính pháp lý của quy định này cần được xem xét lại. Tính pháp lý có thể khắc phục bằng cách sửa Luật Giá, nhưng vấn đề đặt ra là có hợp lý hay không khi nâng điều kiện của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá? Và việc nâng điều kiện này liệu có đạt được các mục tiêu ở trên không?
“Theo quy định của pháp luật về giá thì người chịu trách nhiệm đối với chất lượng của Báo cáo thẩm định giá, chứng thư thẩm định là thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Do đó, đại diện của VCCI cho rằng việc áp đặt điều kiện cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa đủ sức thuyết phục để khẳng định đảm bảo chất lượng của dịch vụ thẩm định giá.
“Còn những lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp thẩm định giá thì điều kiện của người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp này khó có thể giải quyết được vấn đề và là biện pháp quản lý chưa thích hợp.
Tựu chung lại, VCCI nhấn mạnh trong xu hướng cải cách về các điều kiện kinh doanh, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, thì những chính sách đang được soạn thảo và hoặc ban hành trên dường như đang đi ngược lại các mục tiêu mà Chính phủ đang theo đuổi.
Dẫu biết các quy định nhằm hướng đến giảm thiểu những rủi ro có thể có tác động đến môi trường kinh doanh, lợi ích công cộng của hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực trên, nhưng những biện pháp quản lý theo hướng thắt chặt này dường như chưa giải quyết đúng vấn đề mà còn tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp”, đại diện VCCI nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
14:31, 29/01/2021
11:00, 26/01/2021
19:46, 25/01/2021