Trong vòng xoáy bất ổn, các thế hệ doanh nhân đứng trước trách nhiệm và vai trò quan trọng đó là bồi dưỡng, nâng cao chuẩn mực đạo đức doanh nhân để giữ gìn văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt.
>>>Đạo đức doanh nhân
Chuẩn mực kinh doanh từ lâu đã vượt quá khuôn khổ đơn thuần của những vấn đề quản trị, tài chính và đã được coi như một phần không thể tách rời trong văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa kinh doanh liêm chính cũng chính là văn hóa của người đứng đầu, mà ở đó đạo đức của doanh nhân chính là tính kỷ luật, tính tuân thủ, và sự chính trực cần đặc biệt chú trọng.
Các yếu tố về minh bạch và liêm chính trong kinh doanh không phải là một chủ đề mới. Thực chất, đây là tiêu chuẩn bất biến của doanh nghiệp cũng như đạo đức doanh nhân. Các thông tin, báo cáo minh bạch không chỉ thể hiện sức khỏe của doanh nghiệp mà còn là bức tranh phản chiếu khả năng quản lý, vận hành, nhằm đem lại giá trị để các bên liên quan (cơ quan chức năng, quỹ đầu tư, ngân hàng, khách hàng, người lao động) có cơ sở đánh giá và đặt niềm tin.
Trong các văn bản được Đảng, Chính phủ, Quốc hội thông qua, tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh cũng được coi là một phần không thể tách rời trong hoạt động phát triển kinh tế. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”.
Đồng hành cùng cơ quan quản lý, trong gần 12 tháng qua, đại diện các doanh nghiệp, các hiệp hội cũng không ngừng thúc đẩy, đưa chuẩn mực kinh doanh trong nước tiệm cận gần hơn với tiêu thước đo thế giới. Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII), 6 Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, hay gần nhất là hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” của VCCI là những ví dụ tiêu biểu minh họa tầm quan trọng của các yếu tố minh bạch và liêm chính trong chuẩn mực của doanh nhân Việt.
Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, bài toán nâng cao sức khỏe doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp liên tục được nhắc tới, nhưng trong bối cảnh mới được đặt dưới tư duy phát triển bền vững. Từ đây, các yếu tố ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) được phát triển, trở thành một mảnh ghép không thể thiếu trong quá trình quản trị công ty.
>>>Văn hóa ứng xử với môi trường thể hiện đạo đức của doanh nghiệp
>>>Doanh nhân Việt Nam nêu cao tinh thần dân tộc vì quốc gia hùng cường, thịnh vượng
Trong chiến lược phát triển kinh doanh bền vững của các doanh nghiệp thời gian tới, việc quản trị nguồn lực lao động, quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng có vai trò rất quan trọng. Khi sở hữu hệ thống quản trị tốt, doanh nghiệp có thể có nhiều lợi thế về mặt tài chính như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường vốn, giảm chi phí; nâng cao uy tín của công ty, HĐQT và ban điều hành; hướng tới mục đích cuối cùng là phát triển bền vững.
Nhìn ra quốc tế, OECD đã xây dựng nên Principles of Corporate Governance (Bộ nguyên tắc hướng đến quản trị công ty) từ năm 1999, ASEAN đã cho ra mắt ASEAN Corporate Governance Scorecard từ năm 2013. Tại Việt Nam, phải đến năm 2019, cộng đồng doanh nghiệp mới có một bộ tiêu chuẩn giúp nâng cao chuẩn mực về thông lệ quản trị công ty là CG Code, tài liệu dành cho các công ty đại chúng và niêm yết tại Việt Nam.
Dù khác biệt về bối cảnh, thời gian, các bộ nguyên tắc đều có điểm tương đồng khi ghi nhận vai trò quan trọng của người đứng đầu trước yêu cầu xây dựng khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả, duy trì trách nhiệm của HĐQT và giữ vững sự minh bạch trong chiến lược phát triển, quản trị, còn được hiểu là văn hóa doanh nghiệp.
Văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp phải xuất phát từ văn hóa lãnh đạo mà người dẫn dắt là lãnh đạo, các thành viên HĐQT và ban điều hành. Văn hóa kinh doanh là yếu tố lõi của năng lực cạnh tranh, được tạo nên bởi tính kỷ luật, sự tuân thủ và tính chính trực. Đây cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm mà người chủ doanh nghiệp phải đi tiên phong và thực hiện, không được ủy quyền dù trong bất kỳ trường hợp nào.
Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp là một hành trình dài nhưng cần thiết mà mỗi doanh nhân là người may mắn và tự hào được đảm nhiệm trọng trách. Doanh nghiệp liệu có bền theo năm tháng, có vững trong mọi bối cảnh phải dựa vào người đứng đầu – người doanh nhân với văn hóa lãnh đạo và đạo đức kinh doanh minh bạch và liêm chính.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 25/01/2023
05:52, 22/01/2023
17:00, 21/01/2023
03:13, 01/12/2022
11:58, 08/11/2022
05:01, 08/11/2022