Vẫn loay hoay giá xăng dầu

LAM SONG 14/02/2023 03:30

Dự thảo lần 2 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 95/2021 và NĐ số 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có đề xuất liên quan đến chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu.

>>Ổn định giá xăng dầu, trao quyền cho doanh nghiệp

Trong thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu rõ ràng đã có sự định hướng nhưng lại thành cứng nhắc, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện, trong khi phản ứng chính sách luôn luôn chậm so với biến động của thị trường

Trong thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu rõ ràng đã có sự định hướng nhưng lại thành cứng nhắc, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện, trong khi phản ứng chính sách luôn luôn chậm so với biến động của thị trường

Cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án: Phương án 1 là không quy định cụ thể mức chiết khấu, để các doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp với biến động cung cầu của thị trường trong từng thời điểm. Phương án 2 quy định mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu.

Hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau trước đề xuất nên hay không quy định mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Bộ Tài chính và VCCI đề xuất lựa chọn phương án thứ 2. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc xác định mức chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu phụ thuộc vào mức chiết khấu của hệ thống, số lượng khâu trung gian trong phân phối kinh doanh xăng dầu, cung cầu thị trường… nên cần xem xét cơ chế quy định thù lao tối thiểu cho cửa hàng bán lẻ.

Trong khi đó, Bộ Công Thương lựa chọn Phương án 1, bởi theo Bộ này, Phương án 2 sẽ bảo đảm lợi ích và được sự ủng hộ của các đại lý bán lẻ xăng dầu, tuy nhiên, nếu phải đưa mức chiết khấu cho từng khâu của hệ thống phân phối sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong quan hệ mua bán giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi đưa mức chiết khấu cố định vào chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở sẽ làm tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng là cơ quan điều hành tạo được hành lang pháp lý an toàn, chống các rủi ro, trục lợi, bảo đảm cạnh tranh công bằng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Không nên can thiệp quá nhiều vào cơ chế giá vì như vậy sẽ tạo ra cơ chế xin - cho trong quản lý xăng dầu. Về phía doanh nghiệp, cho rằng họ đang bị triệt tiêu cạnh tranh về chiết khấu, quan hệ giao dịch ở vào thế bất lợi. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa nghỉ bán hàng cũng vì không có chiết khấu hoặc mức chiết khấu quá thấp.

Trong đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị cơ quan điều hành “ghi nhận mức chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp”. Đồng thời kiến nghị cần có quy định về mức chiết khấu cố định cho đại lý bán lẻ ở mức phù hợp.

Cần phải trao quyền cho doanh nghiệp, bãi bỏ hoàn toàn quy định lùi thời gian điều hành giá vào lễ tết,... rút ngắn chu kỳ điều hành giá

Cần phải trao quyền cho doanh nghiệp, bãi bỏ hoàn toàn quy định lùi thời gian điều hành giá vào lễ tết,... rút ngắn chu kỳ điều hành giá

>>Cân nhắc việc cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn

>>Cần điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường

>>Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu: Chuyên gia lên tiếng

Trao đổi với báo chí, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc cho rằng: Chiết khấu tối thiểu bằng tỷ lệ % trên giá bán để doanh nghiệp bán lẻ giữ vững được hoạt động kinh doanh trong mọi tình huống, nhằm cung cấp sản phẩm xăng dầu tới tay người tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là ở những thời điểm thị trường xăng dầu thế giới bất ổn, giá cả biến động lớn.

“Theo tôi nên quy định mức chiết khấu tối thiểu khoảng 5-6% trên mức giá bán lẻ. Mức chiết khấu tối thiểu có ý nghĩa, mang tính căn cơ, giữ vững quan điểm của Đảng và Nhà nước là vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bởi chiết khấu tối thiểu là phần cứng và là công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng dầu ổn định, phục vụ cho nhu cầu xã hội và nền kinh tế trong mọi tình huống. Phần còn lại có thể là phần tăng thêm, là sự cơ động, linh hoạt của các nhà cung cấp để cạnh tranh giành thị phần theo nguyên tắc hoạt động kinh tế thị trường có sự điều hành của Nhà nước”. – ông Giang nói.

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Tiến Thỏa, - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính rất đồng tình với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương, nhưng với điều kiện là phải đổi mới cơ chế điều hành giá và trao quyền định giá cạnh tranh về giá thực chất cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự tính toán giá vốn cơ sở, chi phí định mức trên cơ sở tính đúng, tính đủ cho tất cả các khâu.

“Bộ Công Thương phải có trách nhiệm ban hành các quy chế tính giá, tính chi phí định mức kinh doanh xăng dầu như thế nào và hướng dẫn các doanh nghiệp thỏa thuận với nhau bằng phương thức, mức độ nào trong tổng chi phí đó theo nguyên tắc thị trường”. - Ông Thỏa nói.

Trong thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu rõ ràng đã có sự định hướng nhưng lại thành cứng nhắc, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện, trong khi phản ứng chính sách luôn luôn chậm so với biến động của thị trường, dẫn đến chi phí không theo kịp chi phí thực tiễn. Vì vậy, dù cố gắng đến mấy thì doanh nghiệp cũng vẫn có những chi phí không bù đắp được trên cơ sở tính toán của phía Nhà nước. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, có một số quy định trong Dự thảo chưa ổn, chúng ta cần xác định “linh hồn” của Nghị định mới là phải mang tính thị trường. Hiện nay, thị trường không vận động đúng nguyên tắc, chức năng, làm doanh nghiệp luôn phải chờ Nhà nước.

Theo Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) do tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm đã khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt. VCCI cho rằng, trong trường hợp nhà nước không can thiệp vào giá xăng dầu, để cung cầu thị trường quyết định giá sẽ không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Còn trong trường hợp nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ xăng dầu, cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.

"Trong trường hợp để doanh nghiệp định giá bán lẻ xăng dầu thì nhà nước vẫn có nhiều hình thức để kiểm soát vì khi tăng giá, định giá thì vẫn phải có báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước và nhà nước vẫn thực hiện các trường hợp hậu kiểm". - Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Ổn định giá xăng dầu, trao quyền cho doanh nghiệp

    11:20, 13/02/2023

  • Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Mấu chốt là cơ chế giá bán lẻ

    17:09, 09/02/2023

  • Cân nhắc việc cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn

    11:00, 07/02/2023

  • Cần điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường

    09:00, 07/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vẫn loay hoay giá xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO