Mặc dù môi trường kinh doanh được đánh giá ngày càng cải thiện, thế nhưng, tình trạng “tham nhũng vặt”, phí “bôi trơn” khi thực hiện thủ tục hành chính vẫn là những vấn đề nhức nhối…
>> Còn trở ngại trong phổ biến thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp thực thi các FTA
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), môi trường kinh doanh thời gian qua đã có nhiều cải thiện. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu lực thực thi ở địa phương gia tăng, việc áp dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công được cải thiện. Cùng với đó, tình trạng phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp có vốn Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân ở các năm trước đã giảm đáng kể.
Thông tin tại buổi công bố Chỉ số PCI 2021, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, 5 năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận, nỗ lực cải cách của Chính phủ đã mang lại thay đổi tích cực đến chất lượng môi trường kinh doanh. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực về các lĩnh vực nhìn chung có xu hướng tăng trong giai đoạn 2017-2021. Lĩnh vực “Thành lập doanh nghiệp” có sự cải thiện lớn nhất trong thời gian qua với 76,8% doanh nghiệp đánh giá tích cực, tiếp theo đó là cải cách trong tiếp cận điện năng, bảo hiểm xã hội, đăng ký tài sản, thực thi hợp đồng, thuế.
>> "Cải cách thể chế, ban hành văn bản thực thi các FTA vẫn còn chậm"
Bên cạnh đó, kết quả điều tra PCI 2021 cũng cho thấy, hoạt động phòng chống tham nhũng đã đem lại những kết quả tích cực, một loạt các chỉ tiêu đo lường về tham nhũng (chi phí không chính thức) có những cải thiện đáng ghi nhận. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức nói chung trong điều tra PCI 2021 giảm xuống mức 41,4% so với mức 44,9% của năm 2020, đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua (năm 2006 là 70%). Quy mô khoản chi phí không chính thức cũng đã giảm đáng kể theo thời gian khi mà tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để chi trả cho loại chi phí này chỉ khoảng 4,1% thấp hơn gấp đôi so với năm 2016 (9,1%).
Thực tế, mức độ phổ biến của chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực cụ thể đã có dấu hiệu giảm bớt. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra giảm từ con số 27,7% năm 2020 xuống còn 20,9% năm năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “việc chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” đã thay đổi từ mức 40% năm 2020 xuống còn 36,8% năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại tình trạng “chạy án” nên không đưa vụ việc tranh chấp qua tòa án cũng đã thấp hơn 1,6 điểm phần trăm so với giá trị của năm 2020 (từ con số 23%), tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai năm 2021 đã giảm còn 29,4% từ mức 32% của năm 2020.
Tuy nhiên, không gian cải thiện vẫn còn rất nhiều. Ví dụ, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết, “hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp khá phổ biến” là 57,4% trong năm 2021 cao hơn con số 54,1% của năm 2019-2020.
Theo nhận định của VCCI, việc giảm thiểu chi phí không chính thức vẫn là một “hành trình dài” đối với các chính quyền địa phương ở Việt Nam.
Và trên thực tế, kết quả điều tra PCI 2021 cũng cho thấy, chi phí không chính thức vẫn tồn tại khá phổ biến trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước, tỷ lệ trung bình doanh nghiệp trả chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động thanh tra xây dựng là 67,22% và cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là 61,36%.
Xét theo tính chất tương tác giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước, chi phí không chính thức quy mô nhỏ hay còn gọi là “tham nhũng vặt” còn khá phổ biến dưới hai hình thức:
Hình thức thứ nhất, là chi phí “bôi trơn” ở những dịch vụ công thiết yếu với hoạt động doanh nghiệp như đăng ký doanh nghiệp hoặc tiếp cận đất đai (mặt bằng sản xuất kinh doanh).
Hình thức thứ hai, là chi phí không chính thức ở các thủ tục hoặc nghiệp vụ như quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy, thanh tra kiểm tra về đất đai và đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh thực trạng đã nêu, một trong những báo động, cũng được Báo cáo PCI 2021 nêu rõ đó là niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Cụ thể, kết quả điều tra PCI 2021 ghi nhận, tỷ lệ doanh nghiệp có ý định mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh chỉ ở mức 34% (giảm so với 2020), tương đương với năm 2012 và chỉ cao hơn 2 điểm phần trăm so với năm 2013 - năm mà mức độ lạc quan của doanh nghiệp Việt Nam xuống thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua.
Chia sẻ về thực trạng đã nêu, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nền kinh tế đã bị tổn thương nghiêm trọng do những làn sóng mới của đại dịch toàn cầu COVID-19. Tỷ lệ doanh nghiệp có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh thấp đã phản ánh bức tranh chung về tình hình kinh tế cũng như tình trạng của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua. Năm 2021 có đến 16,5% doanh nghiệp dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa, mức cao nhất trong lịch sử 17 năm tiến hành PCI.
Có thể bạn quan tâm
“Mạnh tay” và không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực
00:00, 07/04/2022
Phòng chống tham nhũng trong khối doanh nghiệp tư nhân
15:56, 06/04/2022
Luật hoá trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng
15:15, 06/04/2022
“Kẽ hở” từ Luật đất đai 2013 tạo điều kiện cho tham nhũng
23:36, 15/03/2022
“Lỗ hổng quyền lực” trong chống tham nhũng
03:50, 13/03/2022