“Lỗ hổng quyền lực” trong chống tham nhũng

NGUYỄN VIỆT thực hiện 13/03/2022 03:50

Văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất cụ thể về phòng chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, có những người khi thừa hành nhiệm vụ đã “nói không đi đôi với làm”.

>>Kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”

Đó là chia sẻ của ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Thời gian qua, hàng loạt vụ khởi tố lãnh đạo của các địa phương liên quan đến vi phạm trong quản lý tài sản công, nhất là quản lý đất đai. Thực trạng này cho thấy đang còn những “lỗ hổng” trong cơ chế, chính sách, pháp luật, đặc biệt là cơ chế kiểm soát quyền lực. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Chúng ta đã đề cập rất nhiều lần đến cơ chế kiểm soát quyền lực. Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn nhấn mạnh, cần phải có một cơ chế kiểm soát quyền lực. Hiện nay, Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều văn bản để quy định về vấn đề này. Đặc biệt là những quy định những điều đảng viên không được làm bổ sung cho quy định trước đây.

Tôi cho rằng, đây là những quy định rất rạch ròi, cụ thể, thiết thực. Đối với cán bộ, đảng viên, trong đó có những lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao đã được học, thấm nhuần, quán triệt rất sâu sắc.

Chúng ta hay nhắc đến cụm từ “kiểm soát quyền lực” và “lỗ hổng quyền lực”. Vậy, thực tế có “kẽ hở” này hay không? Theo tôi là có, mặc dù trong các quy định của luật cũng đã có những sự “ràng buộc” để bịt “kẽ hở” này.

 Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến. (Số liệu tại cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11/2021)

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến. (Số liệu tại cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11/2021)

- Nhưng tại sao họ vẫn “lách” được dù đã có sự “ràng buộc”, thưa ông?

Như Chủ tịch Quốc hội từng phát biểu, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Đây là bộ luật quy định rất cụ thể, rõ ràng về những hình thức vi phạm. Từ người dân bình thường ai cũng biết, thì không thể là cán bộ lại không biết. Tôi tin họ biết nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Việc ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi bổ sung là một trong những hình thức kiểm soát quyền lực. Quy định những điều đảng viên không được làm là để kiểm soát quyền lực.

Quy định cán bộ, lãnh đạo nêu gương nhằm kiểm soát quyền lực. Quy định người đứng đầu phải gương mẫu, “đầu tàu” là một dạng kiểm soát quyền lực. Cán bộ, đảng viên vi phạm phải được xử lý nghiêm minh cũng chỉ với mục đích kiểm soát quyền lực. Văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất cụ thể về phòng chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, có những người khi thừa hành nhiệm vụ đã “nói không đi đôi với làm”. Đây chính là “lỗ hổng quyền lực”.

>>Từ vụ sai phạm đất đai ở Bình Thuận: Vẫn nguyên "lỗ hổng"... kiểm soát quyền lực

- Vậy theo ông, lỗ hổng này được tạo ra từ đâu?

Đó là sự bao che, “nhùng nhằng”, “cá mè một lứa”, lợi ích nhóm, đưa người “của mình”, như con, cháu, người thân... vào tổ chức để gây lũng đoạn. Đây là lỗ hổng trong công tác cán bộ do khâu lựa chọn thiếu công tâm, khách quan, chưa chọn được người xứng đáng.

- Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng như vậy, thưa ông?

Một nguyên nhân quan trọng là việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm không nghiêm minh, chưa cụ thể, thiếu rành mạch, rõ ràng. Sợ xử lý cán bộ này sẽ “lây lan” sang cán bộ khác. Ví dụ, người đứng đầu khi xử lý cán bộ cấp dưới sợ “tai tiếng” tại sao để phát sinh tiêu cực trong đơn vị, cơ quan mình quản lý.

Khi phát sinh tiêu cực không chỉ một người trong một tổ chức, cơ quan, đơn vị mà còn có thể liên quan đến nhiều người. Đơn cử, vụ kis test Việt Á không chỉ có giám đốc CDC lấy được số tiền lớn đến vài ba chục tỷ đồng. Họ “chia” không chỉ cho những người xung quanh mà còn phải “lại quả” ở cấp cao hơn.

Không biết khi bị bắt các giám đốc CDC có khai hết và khai thật hay không, nhưng tôi tin nếu chỉ có riêng giám đốc CDC thì không bao giờ dám thực hiện hành vi vi phạm đó.

- Ông có kiến nghị hay đề xuất giải pháp gì cho những bất cập trên?

Trong các văn bản quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã rất đầy đủ, cụ thể và rõ ràng. Các quy định đó không “văn hoa”, ngôn từ rất Việt Nam, đọc là hiểu, không cần suy nghĩ thêm. Vấn đề là thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và mạnh mẽ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Từ vụ sai phạm đất đai ở Bình Thuận: Vẫn nguyên

    Từ vụ sai phạm đất đai ở Bình Thuận: Vẫn nguyên "lỗ hổng"... kiểm soát quyền lực

    04:10, 17/02/2022

  • Tăng cường kiểm soát quyền lực quản lý đất đai

    Tăng cường kiểm soát quyền lực quản lý đất đai

    06:00, 01/02/2022

  • HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 12, KHOÁ XII: Không chọn người tham vọng quyền lực vào BCH Trung ương

    HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 12, KHOÁ XII: Không chọn người tham vọng quyền lực vào BCH Trung ương

    13:02, 11/05/2020

  • Băn khoăn kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

    Băn khoăn kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

    22:07, 25/10/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG]p/Thịnh vượng và kiểm soát quyền lực (Bài 2)

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Thịnh vượng và kiểm soát quyền lực (Bài 2)

    05:02, 17/10/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Thịnh vượng và kiểm soát quyền lực (Bài 1)

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Thịnh vượng và kiểm soát quyền lực (Bài 1)

    07:00, 16/10/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Lỗ hổng quyền lực” trong chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO