24h

Cần tiếp tục đồng bộ hệ thống pháp luật trong phòng, chống tham nhũng

Gia Nguyễn 13/09/2024 10:30

Dù đã đạt những kết quả tích cực, tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu cho rằng, cần tiếp tục đồng bộ hệ thống pháp luật.

Tiếp tục phiên họp thứ 37, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

hop-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-37.13.9.2.1.jpg
Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 - Ảnh: Media Quốc hội

Thông tin tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – Lê Thị Nga cho biết, năm 2024, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn. Qua đó đã tiếp tục khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả, quyết liệt, không chững lại, không chùng xuống, đã trở thành phong trào, xu thế; tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, năm 2024, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục có những chuyển biến tích cực; các cơ quan hữu quan tiếp tục thể chế hóa và thực hiện nghiêm các yêu cầu của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều dự án quan trọng về quản lý kinh tế- xã hội và phòng, chống tham nhũng tiêu cực; chỉ đạo đẩy mạnh công tác rà soát, phát hiện, xử lý những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật có thể làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Chính phủ tiếp tục lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch; tăng cường công tác kiểm tra, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tháo gỡ các rào cản, vướng mắc trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

hop-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-37.13.9.2.2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – Lê Thị Nga thông tin thẩm tra Báo cáo tại phiên họp sáng 13/9 - Ảnh: Media Quốc hội

Tuy nhiên, theo bà Nga, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Một số chủ trương, chính sách của Đảng chậm được thể chế hóa đầy đủ thành pháp luật. Chất lượng của một số văn bản còn hạn chế, thiếu tính ổn định; vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, bất cập, không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

“Thực trạng này là một trong các yếu tố dẫn đến khó khăn trong thực thi pháp luật; cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm; đồng thời có thể dẫn đến tình trạng cán bộ lợi dụng sơ hở của pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực”, bà Nga chia sẻ.

Để giải quyết hiện trạng đã nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Khẩn trương nghiên cứu, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, về xử lý vật chứng là tài sản và tài sản liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử... theo yêu cầu tại các văn kiện, nghị quyết của Đảng.

Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến các lĩnh vực đăng kiểm; y tế; giáo dục; đấu thầu; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu… trong các năm 2023 và 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế- xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự trong thời gian tới.

Đồng tình với Thẩm tra Báo cáo, liên quan công tác này, tại phiên họp, nhiều ý kiến cũng chỉ ra các khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiêu cực và đề xuất các cơ quan liên quan cần sớm rà soát, hoàn thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần tiếp tục đồng bộ hệ thống pháp luật trong phòng, chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO