Những mảng sáng tối đan xen và giá trị đằng sau những con dấu của Văn phòng công chứng Rồng Việt, khi để cho nhân viên sử dụng con dấu đóng vào phần người làm chứng đang gây bức xúc trong dư luận.
Vụ việc chỉ thực sự vỡ lẽ khi bà Nguyễn Thị Xuân Hoa, người được ủy quyền của ông Nguyễn Thành Trung, có địa chỉ tại 86/30 Đình Phong Phú, Khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 TP.HCM, làm đơn tố cáo gửi cho báo chí và các cơ quan chức năng, phản ánh về hành vi lập hợp đồng giả cách giữa ông Nguyễn Văn Hoàng, bà Trần Thị Mỹ Tiên, địa chỉ 182A tổ 1, Nội Hóa 2, Bình An, Dĩ An, Bình Dương và Văn phòng công chứng Rồng Việt, có địa chỉ tại số 105 B, QL 1K, Dĩ An, Bình Dương.
Hợp đồng… “giả cách”?
Theo đó, để hợp thức hóa các chứng từ liên quan, làm cơ sở cung cấp cho Tòa án, và khiến cho Tòa án nhân dân thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương “hiểu nhầm” đây là hợp đồng đã được chứng thực hợp pháp để ra quyết định tuyên án (hợp đồng viết tay được nhân viên phòng công chứng ký tên xác nhận cho người làm chứng, và đóng dấu…), trong khi với chức năng và nhiệm vụ của Văn phòng công chứng Rồng Việt, hoàn toàn có thể thực hiện nhiệm vụ công chứng theo thẩm quyền của mình đúng quy định của pháp luật.
Thế nhưng đơn vị này không thực hiện chức năng công chứng, chứng thực (lời của công chứng viên) mà cho nhân viên phòng hành chính – nhân sự sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng đóng dấu xác nhận vào nội dung người làm chứng đang là vấn đề khó hiểu và gây bức xúc trong dư luận trong suốt thời gian qua.
Theo đơn thư phản ánh của bà Nguyễn Thị Xuân Hoa (người được ủy quyền của ông Nguyễn Thành Trung): Năm 2012, ông Nguyễn Thành Trung là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án “kiện đòi nợ” giữa nguyên đơn là bà Đào Thị Minh và bị đơn là ông Nguyễn Văn Hoàng, theo bản án sơ thẩm số 79/2012/DSST ngày 13/9/2012 của Tòa án nhân dân thị xã Dĩ An, Bình Dương; Bản sán sơ thẩm số 80/2012/DSST, ngày 13/9/2012, giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Thành chung và bị đơn là ông Nguyễn Văn Hoàng, trong vụ án “tranh chấp hợp đồng vay tai sản”, do Tòa án nhân dân thị xã Dĩ An, Bình Dương xét xử.
Theo đó, trong quá trình xét xử, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đều được triệu tập tại tòa để yêu cầu bổ sung chứng cứ (nếu có phát sinh, nảy sinh tranh chấp), tuy nhiên những vấn đề nêu trên đều không có bất cứ phát sinh nào, do đó, TAND thị xã Dĩ An quyết định tuyên án và buộc ông Nguyễn Văn Hoàng phải có nghĩa vụ chi trả toàn bộ số tiền liên quan đến khoản vay mà ông Trung đã cho ông Hoàng vay trước đó. Và tại quyết định thi hành án số 435/QĐ-CCTHA, ngày 08/11/2012 của Chi cục thi hành án thị xã Dĩ An về việc thi hành án theo đơn yêu cầu.
Ngày 26/12/2012, Chi cục thi hành án thị xã Dĩ An có Thông báo số 47/TB-CCTHA và việc cưỡng chế thi hành án; Quyết định cưỡng chế thi hành án số 15/QĐ-CCTHA ngày 26/12/2012, về việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của ông Nguyễn Văn Hoàng bao gồm: Quyền sử dụng đất và tài sản đất gắn liền trên đất thuộc thửa đất số 2848, tờ bản đồ 02 theo chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 897071 do thị xã Dĩ An cấp ngày 25/02/2009 cho ông Nguyễn Văn Hoàng. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành án thì xuất hiện đơn thư khiếu nại của bà Dương Đào Thái Thư, chứng minh đã mua mảnh đất nêu trên của ông Nguyễn Văn Hoàng. Và ngày 11/9/2012, bà Thư đã khởi kiện ông Hoàng ra tòa yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng.
Tòa nhầm… hay bỏ quên “chứng cứ”?
Trước những sự việc nêu trên, ngày 15/5/2013, TAND thị xã Dĩ An ra Quyết định số 02/2013/QĐ-THHTHĐ, buộc thực hiện hình thức hợp đồng. Theo đó, tại quyết định này TAND Dĩ An yêu cầu “buộc bà Dương Đào Thái Thư, ông Nguyễn Văn Hoàng trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này phải thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại cơ quan công chứng đối với nhà đất có diện tích 112m2 thuộc thửa 2848, tờ bản đồ số 2 tọa lạc tại khu phố Bình Trung, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, kể từ khi có quyết định này bà Thư và ông Hoàng không thực hiện quyết định của tòa án nêu trên”.
Thế nhưng không hiểu lý do gì, ngày 28/9/2017, TAND thị xã Dĩ An ra bản án số 190/2007/DS-ST, do Thẩm phán Lê Quân Vương, lại chấp nhận hợp đồng viết tay, không có bất cứ lời công chứng nào của công chứng viên cũng như số vào sổ công chứng theo quy định mà TAND Dĩ An đã yêu cầu trước đó, mà chỉ có chữ ký của Trưởng phòng hành chính nhân sự của Văn phòng công chứng Rồng Việt, ký và xác nhận người làm chứng trong hợp đồng rồi đóng dấu, khiến cho TAND thị xã Dĩ An nhầm tưởng đây là hợp đồng chứng thực, và căn cứ vào đó để công nhận hợp đồng đã phát sinh hiệu lực và buộc các bên phải tôn trọng và thực hiện là điều hết sức vô lý.
Chưa dừng lại ở đó, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai ngày 13/4/2017, giữa nguyên đơn là bà Thư và bị đơn là ông Hoàng, tại Bản án số 190/2017/DS-ST của TAND thị xã Dĩ An không hề mời ông Trung và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan tới tham dự phiên tòa là hoàn toàn khó hiểu.
Hợp đồng không có giá trị pháp lý!
Trao đổi với DĐDN về những thông tin liên quan tới việc “Văn phòng công chứng Rồng Việt, cho nhân viên sử dụng con dấu để đóng dấu vào phần chứng kiến cho người làm chứng, thay vì thực hiện đúng chức năng là công chứng, chứng thực”, Luật sư Nguyễn Văn Tú – Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định: Căn cứ khoản 1, Điều 37 Luật Công chứng 2006 qui định về thẩm quyền công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản: Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản. Trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 về công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản…"
Và tại khoản 2, Điều 4 Luật Công chứng 2006 qui định, "Văn bản công chứng bao gồm các nội dung sau đây: Hợp đồng giao dịch, lời chứng của Công chứng viên ". Do đó, ở đây, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do các bên tự soạn tuy được lập thành văn bản có đóng dấu của Văn phòng công chứng nhưng không được coi là hợp pháp bởi vì:
Thứ nhất, hợp đồng không có lời chứng và chữ ký của công chứng viên, không có số công chứng và không được vào sổ công chứng của Văn phòng công chứng.
Thứ hai, người ký xác nhận trên hợp đồng là Trưởng phòng hành chính nhân sự của Văn phòng công chứng chứ không phải Công chứng viên nên sai về thẩm quyền công chứng hợp đồng, giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản.
Thứ ba, việc ký, đóng dấu của Trưởng phòng hành chính nhân sự là ký xác nhận chữ ký của người làm chứng trên hợp đồng, không liên quan gì với các bên giao dịch, không liên quan gì đến nội dung hợp đồng giao dịch mà con dấu của Văn phòng công chứng đóng trên hợp đồng này dễ gây lầm tưởng là hợp đồng đã được đóng dấu của Văn phòng công chứng nên có giá trị pháp lý.
Có thể bạn quan tâm
10:18, 21/07/2017
14:49, 03/03/2017
00:00, 01/10/2012
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Luật sư Trần Công Ly Tao – Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Với những căn cứ và nhận định trên thì hợp đồng chuyển nhượng bất động sản này không có giá trị pháp lý do không tuân thủ về mặt hình thức vì chưa được công chứng hợp pháp.
Việc Văn phòng công chứng Rồng Việt, để Trưởng phòng hành chính nhân sự ký tên và sử dụng con dấu, để đóng dấu trên hợp đồng giao dịch bất động sản là thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát quản lý sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng. Bên cạnh đó, nếu như hợp đồng giao dịch bất động sản này mà được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước "lầm tưởng" đã được công chứng để công nhận hợp đồng đã phát sinh hiệu lực pháp luật, từ đó buộc các bên phải thực hiện thì sẽ gây hậu quả pháp lý vô cùng lớn cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan đối với bất động sản này.