Văn Quan: Nỗi niềm huyện “vùng lõi”

Thành Nam 04/06/2018 11:15

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phát triển kinh tế rừng là những hướng đi đưa kinh tế xã hội huyện Văn Quan phát triển.

Văn Quan có 5,5 vạn dân, với 99% là đồng bào các dân tộc thiểu số, việc thay đổi tập quán canh tác, phương thức sản xuất là cực kỳ khó khăn và không phải ngày một ngày hai mà xoay chuyển nổi.

p/Hoa Hồi Văn Quan vào mùa thu hoạch.

Hoa Hồi Văn Quan vào mùa thu hoạch.

Phát huy thế mạnh

Điểm qua điểm lại, ông Nguyễn Đình Đại, Chủ tịch UBND huyện tâm sự: “thế mạnh của chúng tôi trước hết là đất đai, là nông nghiệp – lâm nghiệp”.

Muốn phát huy được thế mạnh này, trước tiên là phải tái cơ cấu lại ngành nông lâm nghiệp. An ninh lương thực thì vẫn phải đảm bảo, nhưng mặt khác huyện cần xây dựng những sản phẩm nông sản chủ lực. Thử nhẩm tính, diện tích trồng quế của huyện, diện tích rừng hồi là 12.000ha, diện tích sở là 300ha. Riêng cây hồi được đánh giá là mỏ vàng xanh của người dân Văn Quan, mỗi lần trèo đồi, vào rừng thu hoạch, bà con cũng bỏ túi khoảng 500 – 600 nghìn đồng. Con số quả thật là không nhỏ với người làm nông ở một huyện vùng cao.

Làm giàu từ quế, hồi

Quan trọng hơn, tại Văn Quan ngày càng nhiều hơn những hộ gia đình, cơ sở thu mua sơ chế quả hồi. Nếu hồi tươi, giá chỉ 12.000 đồng/kg thì hồi khô giá vọt lên tới 49 - 50.000 đồng/kg, còn chưng cất tinh dầu hồi hiệu quả kinh tế sẽ còn cao hơn nữa. Ông Chủ tịch huyện bày tỏ, bên cạnh các cơ sở thủ công truyền thống, Văn Quan hy vọng sẽ có nhà máy chưng cất tinh dầu hồi hiện đại, chỉ có thế cây hồi của huyện nói riêng và Lạng Sơn nói chung mới có thể chinh phục được những khách hàng khó tính tại Châu Âu, Nhật Bản.

Văn Quan hy vọng sẽ có nhà máy chưng cất tinh dầu hồi hiện đại để có thể chinh phục được những khách hàng khó tính tại Châu Âu, Nhật Bản.

An sinh xã hội, việc làm, thu nhập người dân ở ngay rừng quế, rừng hồi chứ nào đâu xa? Khai thác hiệu quả thế mạnh này, huyện đang thí điểm mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng hồi. Nếu hướng đi này thành công thì một công đôi việc: người dân có thêm được thu nhập từ dược liệu (không phải quá lệ thuộc vào mùa thu hoạch hồi), rừng lại phát triển ổn định. Ông Nguyễn Đình Đại tâm sự: “phải làm thôi nhà báo ạ! Có quế, có hồi, có sở, nếu có thêm dược liệu dưới tán rừng, Văn Quan có thể thu hút được những nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến”. Gắn kết nông, lâm nghiệp với chế biến và thị trường tiêu thụ, Văn Quan mới khai thác tốt hơn những lợi thế của mình -ông Đại chia sẻ.

Tìm hướng đi cho du lịch

Nhưng vẫn lại nhưng… rừng quế, rừng hồi tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa rất khó khăn về cơ sở hạ tầng, đường giao thông. Muốn khắc phục điều này, Văn Quan phải đầu tư mạnh cho giao thông nông thôn, kết nối rừng với đường quốc lộ (tuyến 1B) và các tuyến tỉnh lộ.

Cùng với việc phát triển hệ thống đường xương cá, kết nối bản làng với đường quốc lộ, tỉnh lộ, Văn Quan còn một “mỏ vàng” thứ hai là du lịch, du lịch sinh thái. Trên địa bàn huyện, có nhiều núi đá vôi với hệ thống hang động tuyệt đẹp những hồ thủy lợi như: đập Bản Quyền, hồ Bản Nầng, Suối Mơ nằm giữa đại ngàn, giữa những bản làng thanh bình. Lễ hội, sơn thủy hữu tình, lòng người hồn hậu đang chờ đón du khách đến với Văn Quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Văn Quan: Nỗi niềm huyện “vùng lõi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO