COVID-19 đã khiến cho ngành vận tải Quảng Ninh thiệt hại năng nề. Những bánh xe đang bắt đầu lăn bánh trở lại nhưng trong sự chậm chạp và mệt mỏi.
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Thủ tướng Chính phủ như một liều “bôi trơn”, nhưng đến nay những doanh nghiệp vận tải vẫn đang mỏi cổ ngóng chờ.
Vận tài “lao dốc” không phanh
Thống kê của Sở GTVT cho thấy, sản lượng vận tải quý I năm nay chỉ đạt 835.943 lượt khách, so với cùng kỳ 2019, đạt 22,08%.
Ông Lê Văn Tòng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Ka Long cho biết, “từ cuối tháng 1 đến nay, người dân hạn chế đi lại khiến vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng. Và từ đầu tháng 4 sau khi thực hiện yêu cầu cách ly toàn xã hội của Chính phủ thì hoạt động vận tải khách tạm ngừng. Từ chỗ có tổng số 400 lao động, Công ty phải giảm xuống còn 300 rồi sau đó không còn người nào”.
Tương tự Ka Long, Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên cũng là một thương hiệu vận tải có tiếng của người Quảng Ninh từ nhiều năm nay với các dịch vụ vận tải khách đường dài, taxi, du lịch, đưa đón công nhân cũng đang gặp muôn vàn khó khăn. Đáng nói, Công ty vừa mới đầu tư một giàn xe 29 chỗ để nâng cao chất lượng dịch vụ, đem đến cho hành khách những trải nghiệm mới. Hiện, đơn vị này phải ôm một khoản nợ ngân hàng rất lớn trong khi hoạt động vận tải thì ngừng chạy.
Nặng nề nhất có lẽ là các đơn vị vận tải du lịch. Công ty CP thương mại du lịch và vận chuyển khách Tình Nghĩa, Đông Triều với 35 đầu xe đang nằm bãi nhiều tháng nay. Theo ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty, kinh doanh vận tải du lịch mỗi năm chỉ được 5 tháng, 3 tháng đầu xuân và 2 tháng hè. Vào thời vụ, mỗi ngày doanh thu của Công ty lên đến gần 200 triệu/ngày. Còn hiện tất cả các hợp đồng vận tải du lịch của Công ty bị hủy sạch. Trong khi mỗi tháng tổng chi của Công ty gần 600 triệu/tháng, trong đó riêng lãi suất ngân hàng 250 triệu đồng. 40 lao động của Công ty trong tình cảnh không có việc làm.
Không chỉ đường bộ mà đường thủy cũng “tê liệt”. Thống kê của Chi hội tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, kể từ khi dịch bùng phát, gần như 500 tàu tham gia dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long chỉ đậu bến, kéo theo hàng chục nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp phải nghỉ việc. Không chỉ những doanh nghiệp nhỏ mà cả những doanh nghiệp đã hoạt động hàng chục năm có tích lũy cũng không tránh khỏi khó khăn.
62 nghìn tỷ chờ đến bao giờ?
Chính phủ đã có nhiều giải pháp toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp từ: Giảm giá điện, hỗ trợ thuế, vốn; được vay tiền để trả lương cho người lao động; miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng… Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp phản ánh chính sách chưa đến được với doanh nghiệp. Đặc biệt là gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng chưa có tiền lệ với quy mô lớn nhất từ trước tới nay vẫn đang được nhiều doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19 ngóng đợi.
Ông Trần Văn Hồng, Phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long, cho biết, “chúng tôi đang rất cần hướng dẫn của nhà nước cũng như ngân hàng được phép cho các hộ kinh doanh vay theo chính sách này”.
Theo ông Hồng, hiện 90% số tàu hoạt động trên vịnh đều đã phải thế chấp tài sản ở các ngân hàng. Hơn 250 doanh nghiệp hoạt động vận tải khách trên Vịnh Hạ Long đều có nhu cầu vay vốn để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, giữ chân người lao động.
Có thể bạn quan tâm
00:04, 26/04/2020
09:44, 10/04/2020
09:00, 09/04/2020
Ông Trần Văn Thuyết, Chủ tịch Hiệp hội Vân tải Quảng Ninh nhấn mạnh, “UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng tích cực vào cuộc, đồng hành cùng doanh nghiệp vận tải một cách nhanh nhất có thể. Trong lĩnh vực ngân hàng, cần hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay, giãn nợ một số khoản thuế phí, chi phí BHXH theo quy định. Xem xét giảm phí cầu đường, lệ phí cảng, bến xe, phí bảo trì đường bộ (trong thời gian xe lưu bãi, ngừng hoạt động). Đặc biệt là phải sớm triển khai gói hỗ trợ của Chinh phủ”.
62 nghìn tỷ - liều “bôi trơn” có thể sớm đến với doanh nghiệp vận tải để giúp họ lăn bánh trở lại một cách mạnh mẽ, nhanh chóng hay không, nó phụ thuộc vào trách nhiệm của các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh.