Thị trường vàng

Vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn từ nay tới cuối năm?

Linh Nga 14/05/2025 11:37

Từ nay tới cuối năm 2025, trong bối cảnh gia tăng rủi ro kinh tế và địa chính trị, nhu cầu đầu tư vào vàng dự kiến ​​sẽ tăng trong các kênh đầu tư.

Đó là chia sẻ của ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới với Diễn đàn Doanh nghiệp.

ong-shaokai-fan-1-.jpg
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới.

- Thị trường vàng toàn cầu trong quý 1 năm nay đã có một khởi đầu đầy biến động trước bất ổn thương mại, các thông báo về chính sách khó lường, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ. Xu hướng nhu cầu vàng quý 1/2025 có những điểm nào nổi bật, thưa ông?

Báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng quý 1/2025 từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy tổng nhu cầu vàng theo quý (bao gồm cả thị trường phi tập trung - OTC) là 1.206 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh giá vàng cao kỷ lục, vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce. Đây là quý 1 có tổng nhu cầu vàng cao nhất kể từ năm 2016.

Sự phục hồi của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng đã thúc đẩy tổng nhu cầu đầu tư tăng hơn gấp đôi lên 552 tấn, tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất kể từ quý 1 năm 2022. Dòng vốn đổ vào các quỹ ETF đã tăng nhanh trên toàn thế giới, đạt tổng cộng tương đương 226 tấn trong quý 1.

Tổng nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu trên toàn cầu tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 325 tấn trong quý 1, dẫn đầu bởi các thị trường phương Đông và Trung Quốc.

Nhu cầu về vàng trang sức bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong quý 1. Giá vàng kỷ lục đã khiến nhu cầu toàn cầu giảm đáng kể xuống còn 380 tấn (-21% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, thị trường vàng trang sức vẫn giữ được sự ổn định. Trong quý 1, chi tiêu của người tiêu dùng cho vàng trang sức đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 35 tỷ USD tại hầu hết các thị trường, ngoại trừ Trung Quốc.

Các Ngân hàng Trung ương hiện đang bước vào năm thứ 16 liên tiếp duy trì mua ròng vàng, bổ sung thêm 244 tấn vào lượng vàng dự trữ toàn cầu trong quý 1 trong bối cảnh bất ổn toàn cầu đang diễn ra. Mặc dù mức cầu vàng này thấp hơn 21% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn cho thấy nhu cầu mạnh mẽ ứng với hoạt động mua vào ổn định ở mức trung bình theo quý trong ba năm qua.

- Theo ông, nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu tại Việt Nam đang diễn biến ra sao trong quý 1?

Nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu đã tăng mạnh hơn tại các thị trường ASEAN nhưng Việt Nam là trường hợp ngoại lệ. Tại Việt Nam, nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu tại Việt Nam giảm 15% so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung các sản phẩm từ vàng bị hạn chế, đẩy chênh lệch giá vàng lên mức cao, trên cơ sở quý 1 năm 2024 có mức đầu tư vàng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Bên cạnh đó, đồng nội tệ suy yếu càng làm tăng giá vàng tính theo USD, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người mua.

vang.png

- Theo quan sát của Hội đồng Vàng Thế giới, yếu tố nào đang chi phối nhu cầu đầu tư vàng của người dân Việt Nam hiện nay? Theo ông, do tâm lý trú ẩn, hay có yếu tố đầu cơ?

Như tôi đã nói, bức tranh kinh tế toàn cầu tổng thể vẫn khó dự đoán, và sự không chắc chắn đó có thể thúc đẩy giá vàng tăng. Trong bối cảnh đó nhu cầu tìm đến vàng như một tài sản lưu trữ an toàn từ các tổ chức, cá nhân và khu vực chính thức có thể tăng cao trong những tháng tới.

Yếu tố đầu cơ trên thị trường là rất tự nhiên và cũng xảy ra ở nhiều thị trường khác không riêng gì Việt Nam. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý ở các thị trường phải có sự quản lý để không xảy ra tình trạng đầu cơ quá mức làm ảnh hưởng tới thị trường.

- Từ góc nhìn toàn cầu, ông có thể chia sẻ mô hình quản lý thị trường vàng thành công ở một số quốc gia?

Một trong những mô hình hữu ích mà Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi về cách thức quản lý thị trường vàng là Ấn Độ. Việt Nam và Ấn Độ có nét tương đồng là tâm lý chung của người dân “thích vàng”. Chính sách quản lý vàng của Ấn Độ không muốn việc mua vàng ảnh hưởng tiêu cực tới tài khoản vãng lai có nghĩa là việc mua vàng dẫn tới việc phải nhập khẩu vàng nhiều. Ấn Độ cũng không muốn mua vàng dẫn đến việc đầu cơ vì đầu cơ dễ dẫn đến những bất ổn trên thị trường. Ấn Độ đã thực hiện những chính sách tự do hóa thị trường vàng kết hợp chính sách kiểm soát, quản lý thị trường vàng.

Ngoài mô hình của Ấn Độ thì Việt Nam có thể tham khảo từ thị trường Thái Lan – người dân ở đây cũng có tâm lý chuộng vàng và họ không sản xuất vàng mà mở cửa của các thành viên tham gia thị trường. Chính phủ nước này ban hành nhiều quy định nhằm giữ thị trường vàng ổn định, phân công từng cơ quan cụ thể giám sát hoạt động đăng ký, kinh doanh, xuất và nhập khẩu vàng.

- Hội đồng Vàng Thế giới có khuyến nghị cụ thể nào đối với thị trường vàng Việt Nam trong thời gian tới?

Việt Nam đang có những sửa đổi mạnh mẽ hoạt động kinh doanh vàng, để đảm bảo thị trường vàng ổn định và liên thông với thế giới. Tôi cho rằng, Việt Nam có thể sẽ dần dần điều chỉnh tự do hoá nhiều hơn nhằm thu hẹp khoảng cách giá vàng và làm giảm khả năng biến động giá vàng trong nước so với nước ngoài.

Tôi hoàn toàn có thể hiểu được việc Chính phủ Việt Nam có biện pháp kiểm soát nguồn cung và nhập khẩu. Tuy nhiên tôi cho rằng việc tinh chỉnh cũng như là dần dần mở cửa thị trường và cho phép nhập khẩu nhiều hơn sẽ giúp chúng ta có thể hạn chế được nguồn cung hiện nay trên thị trường vàng.

Nhu cầu vàng Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều so với nguồn cung, Chính phủ Việt Nam nên xem xét lại nhập khẩu và nên theo hướng kiểm soát.

- Trong thời kỳ giá vàng biến động mạnh, liệu đầu tư vào vàng có phải là chiến lược lâu dài và an toàn nhất cho các nhà đầu tư Việt Nam không, thưa ông?

Chúng ta đang sống trong thế giới mà tính chất ổn định ngày càng kém đi, và tính chất bất ổn ngày càng gia tăng. Do đó, nhà đầu tư phải cân nhắc kĩ càng và xem vàng như là tải sản bổ sung vào danh mục đầu tư của bản thân để gia tăng giá trị.

- Vậy, theo ông triển vọng giá vàng những tháng cuối năm sẽ ra sao?

Thị trường vàng sẽ chịu tác động từ nhiều yếu tố như các cuộc đàm phán thương mại chi phối trong những tháng cuối năm nay; yếu tố lạm phát ở Mỹ… Trong bối cảnh gia tăng rủi ro kinh tế và địa chính trị, nhu cầu đầu tư vào vàng dự kiến ​​sẽ tăng trong các kênh đầu tư như quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và phi tập trung (OTC), trong khi đầu tư vàng miếng và vàng xu có thể vẫn giữ được sức hấp dẫn. Ngược lại, nhu cầu đối với vàng trang sức có thể còn yếu do giá vàng cao. Nhu cầu mua vào của khối ngân hàng trung ương vẫn rất lớn và có lợi cho giá vàng, mặc dù tốc độ mua có thể chậm lại.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn từ nay tới cuối năm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO