Vất vả ngày Tết nghề “làm dâu trăm họ”

Trương Khắc Trà 20/01/2020 06:00

Trong nhân gian có muôn ngàn nghề và không nghề nào gọi là "sướng" hay "khổ". Nhưng khi ta yêu nghề thì nghề mới không bỏ ta...

Một chiếc xe máy, một thùng hàng gắn cố định, dây nịch, áo khoác, kèm chiếc điện thoại móc vào khuy áo, thế là Huy rong ruỗi khắp hang cùng ngỏ hẻm để chuyển từng “cục” từng “hòn” đến với khách hàng.

Đối diện với vô vàn tính cách

Phải qua nhiều cuộc điện thoại tôi mới hẹn gặp được một tiếng đồng hồ với Huy - một nhân viên chuyển phát bưu phẩm. Trưa nắng vừa xuống ca Huy đến chổ hẹn không trật một phút, cuộc nói chuyện liên tục ngắt quãng bởi chuông điện thoại reo liên hồi.

Cậu ta toát lên vẻ thật thà nhưng chắc cú lại nhanh nhẹn dứt khoát - có lẽ “tiêu chuẩn” này phù hợp với nghề chăng? Chưa biết, nhưng nhờ thế mà câu chuyện được bắt đầu rất hanh thông từ đầu.

Vào nghề chưa lâu, nhưng Huy đã thành thạo nhiều kỹ năng của nghề khắc nghiệt này, từ thợ sửa xe máy, vì đam mê chạy nhảy, thích đi đó đây nên Huy nộp hồ sơ vào một công ty chuyển phát có trụ sở tại Đà Nẵng.

Mỗi đơn hàng được chuyển phát thành công, Huy được trả thù lao 3 nghìn đồng, mỗi ngày bình quân 70-80 đơn, có vẻ “dễ ăn” nhưng qua vài “kỷ niệm để đời” Huy kể, mới thấy được nghề shipper chẳng khác nào “làm dâu trăm họ”.

Nguyễn Thanh Huy, nhân viên chuyển phát cho một công ty dịch vụ có trụ sở tại Đà Nẵng

Nguyễn Thanh Huy, nhân viên chuyển phát cho một công ty dịch vụ có trụ sở tại Đà Nẵng

Cách đây vài hôm, buổi sáng hôm đó Huy nhận nhiệm vụ như thường lệ, bốc máy gọi cho khách không thấy nghe, đến tối một số máy lạ gọi vào, bên kia là giọng một người phụ nữ trung niên hỏi “mày là ai, sao lại gọi cho tao?”...

Sau khi trình bày từ “A đến Z” người phụ nữ kia “trở cờ” bảo “chưa bao giờ đặt hàng hóa gì qua mạng”. Quái lạ, số điện thoại gọi đến không trùng với số ghi trên kiện hàng, khối lượng công việc quá nhiều không thể nhớ hết được “ai là ai”.

Một hồi toát mồ hôi, Huy mới thuyết phục được người phụ nữ kỳ lạ này cung cấp địa chỉ, hóa ra bà ta dùng sim khác để gọi. Sáng hôm sau Huy mang hàng đến địa điểm đã hẹn, bà ta yêu cầu gỡ kiện hàng ra xem.

Đang xem hàng, tự nhiên mọi người xung quanh xúm lại tỏ vẻ ái ngại điều gì đó, có người xì vào tai “bà này bị hội chứng thần kinh, vùng này ai cũng biết rồi”. Cuối cùng buộc phải hoàn hàng về nơi gửi!

Câu chuyện cứ trôi liên tục từ trạng thái này sang cung bậc khác, Huy kể tiếp: Có lần suýt bị đánh bởi lý do lãng xẹt, khi đã thống nhất địa chỉ, thời gian giao hàng, vị khách kia còn chỉ dấu hiệu “nhà có cây hoa giấy”.

Huy tìm đến đúng địa chỉ, cũng có cây hoa giấy, nhưng chủ nhà không phải là chủ đơn hàng, tiếp tục gọi “bên kia dây” cứ khăng khăng là đúng địa chỉ, còn chủ nhà thì tiếp tục bảo nhầm to rồi!

Toát mồ hôi hột dưới cái nắng trên 40 độC, sau 30 phút mới tìm ra nhà, hóa ra chủ nhân số điện thoại đặt hàng ở tận trong...Nam, đã lâu không về nên không nhớ rõ địa chỉ nhà người quen!

Mới vừa dừng xe, chủ nhà lao ra quát nạt, lăng mạ đủ đường, xúc phạm phụ huynh chỉ vì lý do “giao hàng chậm mấy chục phút”. Huy giải thích thì vị “hung khách” kia túm cổ áo đòi đánh, may mà có người kịp thời can ngăn...

Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên tất yếu, nhu cầu ăn uống, làm đẹp gia tăng... Sự lên ngôi của hoạt động mua bán online đã “khai sinh” ra một nghề mới, nghề shipper (vận chuyển hàng) trở nên “hot”, là kênh kết nối cung - cầu không thể thiếu trong hoạt động này.

Trên mọi nẻo đường tai ương luôn chực chờ, đó là điều nằm lòng của Huy mỗi khi chở sau lưng khối lượng hàng hóa hàng chục triệu đồng, có lần trên đoạn đường vắng, bỗng dưng có hai thanh niên bám theo sau...

Không loại trừ điều xấu, Huy tăng ga bỏ chạy, nhưng càng chạy hai thanh niên kia càng cố đuổi, đến chổ đông người Huy an tâm dừng xe xem chuyện là thế nào. Hóa ra hai thành niên kia đuổi theo...để nhận hàng do vừa nhận được cuộc gọi của shipper, nhưng là của hãng khác!

Khổ nhất là khi gặp khách hàng ương bướng, hàng ghi rõ không được bóc nhưng họ vẫn cố xem cho bằng được, rồi không lấy, thế là phải đền hàng. Mỗi tháng vài cú “việt vị” như vậy thì “méo mặt”.

Cũng có khách đặt hàng theo kiện, số lượng lớn, nhưng khi mở ra họ chỉ chọn những thứ thích nhất rồi bảo trả lại cho bên gửi! Xử lý những tình huống này không hề giản đơn.

Kỹ năng như...quân Nguyên Mông!

Đến bưu cục nhận hàng lúc 6h30 sáng, lên ca, 12h xuống ca bấm định vị gửi về bộ phận quản lý hành trình, ăn uống, nghỉ trưa 13h30 lại vào ca, chiều 5h30 kết thúc một ngày làm việc. Có khi chạy xuyên trưa cho kịp giờ.

Chở theo cả trăm gói hàng, chừng ấy số điện thoại, tên tuổi, địa chỉ...phải làm sao để “ăn nói” lịch sự với khách đúng tên mặt hàng họ đặt, để đảm bảo sự tin tưởng, tay bấm điện thoại đầu suy nghĩ, miệng hỏi đường?

Điều không tưởng với người bình thường, nhưng với nhân viên giao hàng đó là kỹ năng bắt buộc. Tất cả các tác vụ đó hầu hết được thực hiện khi vừa...điều khiển xe máy. Nói chẳng sai, y hệt quân Nguyên Mông được mô tả vừa cưỡi ngựa vừa bắn cung, sinh hoạt trên lưng ngựa!

Phụ kiện đặc biệt của nghề shipper

Phụ kiện đặc biệt của nghề shipper

Huy bật mí, đầu tiên phải xếp hàng hóa thứ tự theo hành trình, trong khi gói hàng phải chú dấu hiệu nhận biết riêng biệt, lâu dần sẽ quen. Có lẽ vì cái khó này mà không ít người nghỉ việc, nhân sự biến động liên tục.

Mặc dù chỉ là nhân viên chuyển phát, nhưng yêu cầu ngặt nghèo không kém, bởi đặc thù của nghề nên phía công ty yêu cầu xác minh lý lịch, nắm rõ tung tích, nhất là mấy bài kiểm tra trắc nghiệm tính trung thực, mức độ chịu đựng...Có thể bạn quan tâm

  • Từ vụ nữ sinh giao gà bị sát hại: Cần

    Từ vụ nữ sinh giao gà bị sát hại: Cần "kỹ năng mềm" cho shipper

    00:41, 20/02/2019

  • Con đường trở thành tỷ phú của 'ông hoàng shipper' 

    Con đường trở thành tỷ phú của 'ông hoàng shipper' 

    07:38, 21/02/2018

  • Con đường khởi nghiệp từ chiếc Dream cũ của hai chàng shipper

    Con đường khởi nghiệp từ chiếc Dream cũ của hai chàng shipper

    09:49, 12/09/2016

Bưu cục nơi Huy làm việc chỉ còn 3 nhân viên chuyển phát bao quát một huyện rộng lớn mấy chục xã, thị trấn. Tết đến đơn hàng tăng vọt nên mỗi ngày di chuyển trên 100km!

Nhân viên chuyển phát, hay còn gọi là “Shipper” là nghề không mới, nhưng chẳng cũ. Nói vậy là bởi sự bùng nổ của thương mại điện tử, rất nhiều công ty chuyển phát tư nhân ra đời chứ không chỉ là hệ thống bưu điện của nhà nước.

Trong hệ sinh thái ấy, nhân viên chuyển phát đóng vai trò vô cùng quan trọng, họ không chỉ là cầu nối giữa nhà cung cấp dịch vụ với khách hàng mà đôi khi còn đại diện hình ảnh cho bên bán, sự ưu việt của thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vất vả ngày Tết nghề “làm dâu trăm họ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO