Thủ đoạn mạo danh nhân viên giao hàng (shipper giả) để lừa đảo lại đang bùng phát. Dù không mới, nhưng với những chiêu trò ngày càng tinh vi vẫn khiến nhiều người sập bẫy…
Chị Thanh Tâm, một nhân viên văn phòng sống tại quận Ba Đình, Hà Nội, thường xuyên mua hàng qua mạng. Một ngày nọ, chị nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, người ở đầu dây tự xưng là nhân viên giao hàng, thông báo có một kiện hàng đang trên đường đến.
Vốn có thói quen nhờ shipper để lại hàng tại quầy lễ tân và thanh toán sau giờ làm, chị nhanh chóng chuyển 230.000 đồng vào tài khoản mà người này cung cấp. Nhưng khi mở gói hàng, chị ngỡ ngàng phát hiện bên trong chỉ toàn giấy vụn. Cố gắng liên lạc lại với shipper, số điện thoại kia đã tắt máy. Lúc này, chị mới bàng hoàng nhận ra mình đã bị lừa.
Trường hợp của anh L.T, sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cũng tương tự. Một buổi sáng, anh nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên của một đơn vị vận chuyển lớn, thông báo về một đơn hàng và yêu cầu anh thanh toán trước gần 300.000 đồng qua chuyển khoản. Tin tưởng vào lời nói thuyết phục cùng thái độ chuyên nghiệp của shipper, anh lập tức thực hiện giao dịch.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, đối tượng tiếp tục nhắn tin báo rằng đã thao tác nhầm và yêu cầu anh truy cập vào một đường link để “hủy đăng ký dịch vụ” nhằm tránh bị trừ tiền thêm. Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, anh L.T lập tức kiểm tra lại thông tin từ phía đơn vị vận chuyển và phát hiện đơn hàng này hoàn toàn không tồn tại. Nhờ kịp thời cảnh giác, anh đã tránh được nguy cơ mất thêm tiền và bị đánh cắp thông tin cá nhân.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc giả danh nhân viên giao hàng để lừa đảo không phải là thủ đoạn mới. Tuy nhiên, gần đây, hình thức lừa đảo này ngày càng phổ biến do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Các đối tượng lợi dụng thông tin cá nhân bị rò rỉ trên mạng để tạo lòng tin với nạn nhân, khiến nhiều người dễ dàng mắc bẫy.
Chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đến này, ông Ngô Tuấn Anh, chuyên gia an toàn thông tin cho biết, các đối tượng lừa đảo ngày càng có xu hướng tinh vi hơn trong cách tiếp cận nạn nhân. Trước đây, chúng chỉ giả danh nhân viên giao hàng để yêu cầu thanh toán trước, nhưng nay, thủ đoạn đã mở rộng sang các hình thức tinh vi hơn như gửi tin nhắn giả mạo thông báo đơn hàng bị lỗi, yêu cầu nạn nhân nhấp vào đường link để xác nhận thông tin.
“Điểm nguy hiểm của hình thức này là khi người dùng nhập thông tin cá nhân vào các trang web giả mạo, kẻ gian có thể thu thập dữ liệu, từ đó đánh cắp tài khoản ngân hàng hoặc thực hiện các giao dịch tài chính trái phép” – vị chuyên gia chia sẻ.
Trong khi đó, chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Minh Đức cũng nhấn mạnh rằng, kẻ gian thường lợi dụng tâm lý tin tưởng của người tiêu dùng. Khi nhận được cuộc gọi từ một số lạ tự xưng là shipper, nhiều người có thói quen thanh toán ngay mà không kiểm tra lại thông tin đơn hàng. Chính sự chủ quan này tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo dễ dàng thực hiện hành vi của mình. Đặc biệt, chúng thường sử dụng các số điện thoại rác hoặc tài khoản ngân hàng không chính chủ để nhận tiền, sau đó nhanh chóng xóa dấu vết, khiến việc truy vết và xử lý gặp nhiều khó khăn.
Thậm chí, một số kẻ gian còn khai thác thông tin rò rỉ trên mạng để tạo dựng lòng tin với nạn nhân. Chẳng hạn, chúng có thể đọc chính xác tên, địa chỉ, thậm chí cả sản phẩm mà nạn nhân đã đặt để khiến cuộc gọi trở nên đáng tin cậy hơn.
Theo các chuyên gia, việc lộ thông tin cá nhân đang khiến các vụ lừa đảo trở nên thuyết phục hơn. Khi kẻ gian có đầy đủ thông tin về đơn hàng, nhiều người sẽ tin tưởng và thực hiện giao dịch ngay mà không kiểm tra lại. Đây chính là lỗ hổng lớn mà người tiêu dùng cần đặc biệt cảnh giác.
Có thể thấy, sự bùng phát của các chiêu trò lừa đảo mạo danh shipper không chỉ là câu chuyện về một vài nạn nhân mất tiền, mà phản ánh thực trạng đáng báo động về an toàn giao dịch trong thời đại số. Trong guồng quay của thương mại điện tử, khi chỉ với một cú nhấp chuột, hàng hóa có thể được vận chuyển đến tận cửa, thì cũng chính lúc đó, những kẻ lừa đảo cũng tìm cách len lỏi vào từng giao dịch, lợi dụng sự tiện lợi để giăng bẫy người tiêu dùng.
Điều đáng nói, thủ đoạn này không còn đơn thuần dựa vào sự cả tin, mà đã nâng cấp thành những kịch bản tinh vi, khai thác lỗ hổng từ chính sự bất cẩn của người mua hàng. Khi một cuộc gọi đến với đầy đủ thông tin về đơn hàng, khi một tin nhắn mang thương hiệu quen thuộc xuất hiện, rất ít người đủ tỉnh táo để đặt câu hỏi: “Liệu có điều gì bất thường?”. Và chính khoảnh khắc thiếu cảnh giác đó có thể khiến một người mất hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà thông tin cá nhân trở thành thứ hàng hóa bị mua bán dễ dàng. Việc cẩn trọng trong từng giao dịch không chỉ giúp tránh mất tiền oan mà còn là cách để mỗi cá nhân tự bảo vệ dữ liệu của mình trước những nguy cơ lớn hơn. Đừng để sự tiện lợi của thương mại điện tử trở thành con dao hai lưỡi. Hãy là người tiêu dùng thông minh, bởi chỉ một phút mất cảnh giác, cái giá phải trả có thể không dừng lại ở một khoản tiền, mà là sự đánh đổi cho cả niềm tin vào hệ thống giao dịch số.