Dù đã giảm so với thời gian trước, song hiện lãi suất cho vay VND vẫn cao hơn khá nhiều so với lãi suất cho vay USD.
Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp tỏ ra trăn trở không biết vay VND hay USD có lợi hơn?
Lãi vay còn dư địa giảm thêm
Mặt bằng lãi suất cho vay cả VND và USD trong nước hiện đang cao hơn khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đơn cử NHTW Malaysia vừa giảm lãi suất cơ bản về còn 2%, trong khi FED đang duy trì lãi suất cơ bản gần mức 0%; thậm chí NHTW Châu Âu (ECB) còn vừa giảm lãi suất tái cấp vốn dài hạn có mục tiêu xuống dưới 0% để các ngân hàng cho vay không lãi suất đối với doanh nghiệp.
Sở dĩ các ngân hàng khó giảm sâu hơn lãi suất huy động và cho vay trong những tháng đầu năm nay do sức ép lạm phát rất lớn. Tuy nhiên, lạm phát đang đang có xu hướng giảm tốc nhanh do tác động của dịch COVID-19. CPI bình quân 4 tháng đầu năm giảm xuống 4,9% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 5,56% của 3 tháng đầu năm. Đó là cơ hội để NHNN có thể tiếp tục cắt giảm sâu hơn lãi suất cơ bản để kéo mặt bằng lãi suất trên thị trường xuống thấp hơn.
“Lạm phát có xu hướng giảm và tác động của dịch bệnh khiến cầu tín dụng vẫn yếu, là những yếu tố thuận lợi để mặt bằng lãi suất huy động giảm thêm 0,3- 0,5%, cũng như NHNN có thể giảm thêm lãi suất điều hành 0,25- 0,5%”, BVSC nhận định.
Ngoài ra, nhiều nhà băng vẫn thu lãi cả nghìn tỷ đồng trong quý đầu năm nay, trong đó đóng góp chủ yếu từ hoạt động tín dụng. Điều đó cho thấy dư địa giảm lãi suất vẫn còn.
Không dễ vay USD
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND vẫn phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn, và 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi lãi suất cho vay ngắn hạn USD phổ biến ở mức 3,0-4,5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 4,2-6,0%/năm.
Như vậy, lãi suất cho vay USD đang thấp hơn lãi suất cho vay VND từ 3% đến 5% tùy từng kỳ hạn. Với mức chênh lệch khá lớn như vậy, ngay cả khi tính thêm biến động của tỷ giá, thì vay USD vẫn có lợi hơn. Bởi tính chung từ đầu năm đến nay, tỷ giá trong nước mới chỉ tăng 1,3% và dự báo chỉ tăng khoảng 2-2,5% trong năm nay.
Giả sử doanh nghiệp vay 1 triệu USD trong 1 năm, lãi suất cao nhất cũng chỉ là 6%/năm; có nghĩa 1 năm sau doanh nghiệp sẽ phải trả 1,06 triệu USD. Nếu tại thời điểm vay vốn, tỷ giá là 23.500 đồng/USD, với mức tăng 2,5% thì sau 1 năm tỷ giá sẽ tăng lên 24.090 đồng/USD. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ thanh toán cả gốc lẫn lãi khoản vay tính theo tiền đồng là gần 25,533 tỷ đồng (1,086 triệu USD).
Trong khi nếu doanh nghiệp vay 23,5 tỷ đồng (tương đương 1 triệu USD) với cùng thời hạn và lãi suất khoảng 10%/năm, thì sau 1 năm số tiền gốc và lãi phải trả của doanh nghiệp cũng lên tới 25,85 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với vay USD.
Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vay USD. Bởi theo quy định hiện hành, hiện chỉ có các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu và nhập khẩu xăng dầu mới được vay USD và cũng chỉ được vay ngắn hạn.
Có thể bạn quan tâm
06:10, 06/05/2020
11:10, 17/04/2020
06:01, 14/04/2020
11:30, 31/03/2020
05:30, 14/03/2020