Trước những khó khăn, thách thức xuất phát từ nội tại, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ về 7 giải pháp mà Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, năm 2019, tình hình thế giới có những diễn biến không thuận lợi, so với những năm trước đây, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua, nhiều nền kinh tế đang gặp khó khăn và suy giảm tăng trưởng… Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng tích cực, là một trong những điểm sáng tăng trưởng kinh tế tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Nền tảng ổn định song hành cùng thách thức
Theo đó, kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực: nền tảng vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm tháng đạt mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, thị trường tiền tệ, ngoại hối, mặt bằng lãi suất khá ổn định, thu chi ngân sách nhà nước cơ bản đảm bảo, nguồn vốn FDI tiếp tục gia tăng…
Cả nước có 54.000 doanh nghiệp thành lập mới, cao nhất trong 5 năm qua; có tới 19,6000 doanh nghiệp quay lại hoạt động; sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo tăng khá. Trong đó các sản phẩm điện tử, máy tính bắt đầu phục hồi sau 2 tháng tăng trưởng âm.
Ngoài ra, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2019 so với quý IV/2018 cho thấy, 85,1% cho kết quả xu hướng kinh doanh tốt lên.
Bên cạnh đó, năm 2018 cũng ghi nhận nhiều chỉ số của Việt Nam tăng mạnh. Cụ thể, chỉ số mới sáng tạo của Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 45/126 và cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 2 trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Chỉ số phát triển tăng 11 bậc xếp thứ 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy vậy, Phó thủ tướng cũng nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước khó khăn, thách thức cần phải giải quyết mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ yếu kém nội tại.
Cụ thể, "năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế còn thấp, từ đó dẫn đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế chưa cao. Bên cạnh đó, trình độ quản trị, hiệu quả kinh doanh, năng lực sáng tạo, năng lực ứng dụng công nghệ, liên kết tham gia chuỗi giá trị của Việt Nam còn hạn chế", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thẳng thắn thừa nhận.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra, các quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh còn bất cập, những thủ tục hành chính tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng còn khó khăn, chi phí logistics thủ tục hành chính còn cao. Chưa kể, tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp, so sánh với các nước trong khu vực thì Việt Nam có tỷ lệ trung bình 40 người mới có 1 doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển là 10-12 người/ doanh nghiệp.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, "Phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Với mục tiêu ưu tiên là phát triển nhanh để tránh tụt hậu, giảm khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nướcđang phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời phải phát triển bền vững, đây là điều kiện đủ đảm bảo Việt Nam tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới”.
Theo Phó thủ tướng, phát triển bền vững trước hết là giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, thực hiện cácmục tiêu vì con người, tiến bộ và công bằng xã hội.Cùng với đó phải đảm bảo việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo kinh tế vĩ mô đặc biệt là các chinh sách tài chính tiền tệ.
7 giải pháp chiến lược
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ về 7 giải pháp của Chính phủ Việt Nam đã đang và sẽ thực hiện hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Một là giữ vững sự ổn định về vĩ mô (kinh tế, môi trường chính trị xã hội). Đây được xem là yếu tố quyết định để huy động nguồn lực cho đất nước phát triển bền vững.
Hai là, tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tăng trưởng hợp lý nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Tập trung tái cơ cấu đầu tư, nhất là đầu tư công; tái cơ cấu các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, tập trung vào các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu ngành nghề, tập trung vào các ngành công nghiệp cốt lõi gắn với phát triển công nghiệp phụ trợ để nâng cao sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, lấy thị trường quốc tế là mục tiêu.
“Bên cạnh đó tập trung tái cấu trúc ngành năng lượng; tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị xanh, thông minh”, Phó thủ tướng cho hay.
Ba là, Việt Nam ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ từ giao thông, y tế, giáo dục… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, coi giáo dục và khoa học công nghệ là quốc sách để nâng cao chất lượng nhân lực.
Năm là, tập trung hoàn thiện thể chế để tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh, thông thoáng, tạo điều kiện huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển.
Sáu là, tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học, đổi mới chương trình nghiên cứu, khuyến khích thành lập viện nghiên cứu tư nhân, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ngoài ra, Chính phủ khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu AI. “Chính phủ không sử dụng công cụ hành chính để can thiệp hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp”.
Bảy là, tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế. “Việt Nam tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, song phương và đa phương. "Tôi cho đây là môi trường rất tốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và những yếu tố đó ép chúng tôi phát triển bền vững”, Phó thủ tướng khẳng định.
Tại VBF 2019, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về kinh tế, pháp lý và đạo đức.
Cụ thể, về kinh tế, Phó thủ tướng cho rằng doanh nghiệp phải cân đối mục tiêu lợi nhuận và việc đối xử thỏa đáng với người lao động như tạo điều kiện cho người lao động phát triển, được thụ hưởng môi trường tốt, được đảm bảo quyền riêng tư.
Về pháp lý, doanh nghiệp phải đảm bảo pháp lý với các bên liên quan thông qua việc tuân thủ các quy định về cạnh tranh, thúc đẩy công bằng, an toàn, cung cấp sáng kiến chống hành vi sai trái của doanh nghiệp. “Doanh nghiệp không thể tồn tại lâu dài nếu không tuân thủ pháp lý”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Về đạo đức, Phó thủ tướng cho rằng, khía cạnh này vô cùng quan trọng, bởi đây luôn được cộng đồng mong đợi từ các doanh nghiệp.
“Những gì doanh nghiệp quyết định đúng, chia sẻ với cộng đồng thì sẽ được công đồng tôn vinh và ngược lại”, Phó thủ tướng khẳng định.