VBS 2019: Cơ hội kinh doanh từ nền kinh tế số

Quốc Anh 16/10/2019 05:00

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2019 (VBS 2019) được giới đầu tư kỳ vọng sẽ nắm bắt được những cơ hội đầu tư, kinh doanh mới từ nền kinh tế số hoá.

Với khẩu hiệu “Viet Nam: We mean business. Partnership in digital era” - “Việt Nam: Đối tác kinh doanh tin cậy trong kỉ nguyên số”, VBS 2019 là sự kiện thường niên về xúc tiến thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong năm do VCCI tổ chức. Qua 2 kỳ tổ chức, VBS đã trở thành diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư được mong chờ nhất trong năm của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

p/Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các doanh nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018. Ảnh: Quốc Tuấn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các doanh nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018. Ảnh: Quốc Tuấn

Cơ hội từ kinh tế số

Phân tích về cơ hội đến từ nền kinh tế số, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói rằng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên số và nói đến kỷ nguyên số là nói đến đột phá công nghệ và chuyển dịch lao động. Việt Nam tuy xuất phát sau, nhưng có cơ hội, điều kiện rất lớn để thực hiện cách mạng 4.0. Việt Nam có hơn 64 triệu người sử dụng internet, cao hơn mức trung bình của thế giới, nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng internet cao nhất tại Châu Á. Năm 2017, Việt Nam thuộc top 5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới, 16%; đến 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Cũng trong năm qua, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 12 bậc lên vị trí thứ 47 toàn cầu. Chỉ số chính phủ điện tử cũng tăng thêm 10 bậc.

Năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G, Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt nam như Viettel, FPT, VNPT đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ không chỉ trong nước mà còn mở rộng sang thị trường quốc tế. Đó là những lợi thế mới của Việt Nam trong nền kinh tế số, bên cạnh những lợi thế truyền thống: vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, sự ổn định về chính trị-xã hội, quy mô thị trường lớn được gắn kết nối với các hiệp định thương mại tự do, lực lượng lao động trẻ, dồi dào và chi phí thấp...

Chủ tịch VCCI cho biết thêm, chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Kết quả nghiên cứu của AlphaBeta cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường đầu tư công nghệ và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương…

Theo thông tin từ ban tổ chức, tại VBS 2019, doanh nghiệp sẽ được lắng nghe chia sẻ của lãnh đạo các bộ ngành, các chuyên gia kinh tế về định hướng, chính sách của Việt Nam về lao động và khoa học công nghệ trong thời gian tới. Từ đó doanh nghiệp sẽ tìm ra các hướng đi mới và cơ hội hợp tác mới cho mình tại thị trường Việt Nam, biết cách chuyển đổi thế nào để đón đầu xu hướng công nghệ mới, nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trí toàn cầu.

Trao đổi với DĐDN trước thềm VBS 2019, ông Truong Vincent Kinh - Chủ tịch và Tổng Giám đốc, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sunny World nói rằng, ông rất phấn khởi vì Chính phủ, các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương đã áp dụng nhiều chương trình nhằm cái thiện thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện chính phủ điện tử (e-government), mở rộng các cổng thông tin điện tử song ngữ, áp dụng cơ chế một cửa ở hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước...

  Việt Nam có hơn 64 triệu người sử dụng internet, cao hơn mức trung bình của thế giới, nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng internet cao nhất tại Châu Á. 

Theo ông Truong Vincent Kinh, nền kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, vai trò quản lý cũng phải theo xu thế đó. Những khái niệm như Chính phủ thông minh, đô thị thông minh... không còn quá lạ lẫm với chúng ta. Việt Nam có thể chưa có những cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại như các nước phát triển, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể biến những khái niệm đó thành hiện thực, nếu tích cực thúc đẩy xây dựng các cơ sở dữ liệu, áp dụng các giải pháp công nghệ chuyên sâu.

Chúng tôi mong muốn được mở rộng kết nối, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ cơ hội đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hiểu biết tốt hơn về định hướng chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, những cơ hội mới và thách thức trong việc phát triển kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà chúng tôi đã và đang phát triển như cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, y tế, bất động sản và du lịch”, ông Truong Vincent Kinh bày tỏ.

Còn ông Lê Đức Phong – Tổng Giám Đốc Công ty CP Daeha (Khách sạn Hà Nội Daewoo) thì khẳng định, tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh VBS và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Châu Á (ABS) 2019 là cơ hội để công ty CP Daeha – Khách sạn Hà Nội Daewoo khẳng định vị thế của khách sạn 5 sao hàng đầu thủ đô với các đối tác tầm cỡ trong nước và quốc tế. “Đặc biệt, chúng tôi cũng kỳ vọng thảo luận về cách thức điện toán đám mây, khai thác dữ liệu, hệ thiết bị không dây tác động thay đổi hành vi người tiêu dùng trong kỷ nguyên số 4.0, từ đó áp dụng vào thực tế hoạt động kinh doanh của khách sạn. Tăng trưởng bền vững, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường cũng là một trong những chủ đề được chúng tôi quan tâm trong khuôn khổ Hội nghị” - ông Phong chia sẻ.

Sức hút mang tên Việt Nam

Sau 2 lần tổ chức VBS, sức hút của Việt Nam đối với giới đầu tư ngày càng trở lên nóng hơn. Bằng chứng là 2 năm trở lại đây dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng đáng kể. Năm 2018 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt tới 19,1 tỉ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017. 9 tháng đầu năm 2019, các nhà đầu tư đã đầu tư 26,16 tỷ USD vào Việt Nam, tăng 3,1% so với cùng kỳ 2018...

Tất nhiên để đạt được con số này, đó là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương… Nhưng rõ ràng, không thể phủ nhận những đóng góp mà VBS trong 2 năm qua đã góp phần quảng bá mạnh mẽ môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và của từng địa phương nói riêng. Thông qua Diễn đàn này, các nhà đầu tư đã có cơ hội gặp gỡ trực tiếp với lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương để từ đó họ có những quyết định đầu tư nhanh hơn nhiều so với những cách làm vốn được xem là truyền thông xưa nay là tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư nhỏ lẻ, không tập trung.

Chắc chắn những thành công của VBS 2017, 2018 sẽ là những động lực quan trọng để VCCI tiếp tục tổ chức VBS 2019 với một mục đích lớn nhất là đưa “sức hút” của môi trường đầu tư Việt Nam trở thành hiện thực, trở thành điểm đến của giới đầu tư trên thế giới. VBS năm nay được VCCI tổ chức liền kề với Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á (ABS) lần thứ 10, nhằm tranh thủ thu hút các đại biểu của ABS là các Lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu, các doanh nghiệp uy tín của nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc…

Như đã nói, đây là Diễn đàn để Chính phủ giới thiệu những chính sách mới nhất, ưu đãi nhất của Việt Nam với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thể hiện cam kết của chính phủ kiến tạo, đồng hành với doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời kết nối giữa các cơ quan quản lý địa phương với các nhà đầu tư tiềm năng.

VBS cũng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, học giả chia sẻ định hướng phát triển ngành, các CEO chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh thương mại quốc tế, định hướng hợp tác trong tương lai và thảo luận về cơ hội mới trong kỷ nguyên cách mạng 4.0, đặc biệt là về hai nội dung chính là đổi mới công nghệ và chuyển dịch lao động.

Giới đầu tư cũng có thể gặp gỡ trực tiếp, chắp mối giữa các nhà đầu tư và và ngoài nước. Đặc biệt, thông qua đó sẽ đẩy mạnh thu hút FDI, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao chinh phục thị trường thế giới, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu. Nâng cao hình ảnh và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VBS 2019: Cơ hội kinh doanh từ nền kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO