VCCI

VCCI gỡ khó cho doanh nghiệp thuê đất ở Nghệ An

Hồng Quang 14/02/2025 03:24

Dưới sự hỗ trợ tích cực của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An đã nhận được mặt bằng “sạch” để triển khai sản xuất, kinh doanh.

GPMB 2 (1)
Những vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng tại Khu A – Khu công nghiệp Nam Cấm đã được giải quyết triệt để, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Đó là một chặng đường dài, với đầy rẫy chông gai, thách thức đối với các doanh nghiệp thuê đất tại Khu A - Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An khi gặp những vướng mặc liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Mòn mỏi chờ mặt bằng “sạch”

Khu A – Khu công nghiệp Nam Cấm được UBND tỉnh Nghệ An quy hoạch vào năm 2003, với tổng diện tích 93,67 ha và tiến hành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong khoảng thời gian từ năm 2003 – 2009. Cùng thời điểm đó, địa phương cũng triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, ra sức mời gọi doanh nghiệp về “lót ổ” bằng nhiều chính sách ưu đãi để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.

Năm 2004, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Nghệ An được thành lập, đưa vào vận hành, phối hợp xử lý các thủ tục pháp lý liên quan nhằm hoàn thiện hạ tầng, tạo mặt bằng “sạch” cho doanh nghiệp. Đến năm 2007, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cũng được thành lập theo Quyết định số 85/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kể từ đây, Khu công nghiệp Nam Cấm chính thức trở thành đơn vị trực thuộc để tập trung phát triển, thu hút nhà đầu tư.

Thế nhưng, trái ngược với những nỗ lực trên là tình cảnh hàng loạt doanh nghiệp thuê đất tại Khu A – Khu công nghiệp Nam Cấm rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” do chưa được bàn giao hoàn chỉnh toàn bộ phần diện tích đất đã được chấp thuận đầu tư để kịp thời vận hành dây chuyền sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân được lý giải là, mặc dù đã chi trả tiền đền bù, hỗ trợ nhưng giải quyết chưa triệt để, dẫn đến việc bị người dân tái lấn chiếm sản xuất.

Cụ thể, trong tổng diện tích đất 93,67 ha đã được quy hoạch, chỉ có vẻn vẹn 26,87 ha được san lấp mặt bằng và bàn giao cho các doanh nghiệp triển khai dự án.

Trong khi đó, có 59,9 ha mặc dù đã hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ nhưng người dân địa phương lại tái lấn chiếm sử dụng để sản xuất nông nghiệp; 2,47 ha đất của dân được UBND huyện Nghi Lộc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa nhận tiền; và 4,43 ha là đất giao thông, thủy lợi.
Điểm đáng chú ý, có nhiều doanh nghiệp như Công ty CP tổng hợp vật liệu Trường An, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty CP đầu tư xây dựng 379,… mặc dù được đơn vị vận hành hạ tầng thoả thuận, cho thuê đất sau khi dự án của họ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng hơn 1 thập kỷ trôi qua vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Điều này không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp mà còn tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương.

Ra sức hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Trần Thành Trung – Trưởng phòng Hội viên VCCI Chi nhánh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình cho biết, trong thời gian qua, VCCI Chi nhánh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình đã đóng vai trò trung gian, ra sức vận động doanh nghiệp để giải quyết triệt để vướng mắc liên quan đến chi phí, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

“Quá trình bàn giao mặt bằng tại Khu A - Khu công nghiệp Nam Cấm gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng như được các doanh nghiệp thuê đất thống nhất hỗ trợ thêm kinh phí, đến nay, toàn bộ người dân đã bàn giao mặt bằng” – ông Trần Thành Trung chia sẻ.

Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, UBND huyện Nghi Lộc, VCCI Chi nhánh Nghệ An - Hà Tĩnh – Quảng Bình cũng đã phối hợp, tổ chức bàn giao 66,8 ha mặt bằng cho các doanh nghiệp thuê đất tại Khu A – Khu công nghiệp Nam Cấm để triển khai đầu tư xây dựng, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, 8 doanh nghiệp thuê đất được bàn giao mặt bằng, bao gồm: Công CP Trung Đô và Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Nghệ An, mỗi đơn vị 18 ha; Công ty Vật liệu xây dựng Trường An với 7 ha; Công ty CP Tân Thịnh, Công ty CP Việt Vinh, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty CP Đầu tư xây dựng 379 và Công ty CP Thịnh Lộc, mỗi đơn vị từ 1 - 3 ha.

Ông Hoàng Văn Tùng – Giám đốc Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Nghệ An cho biết: “Để có được mặt bằng “sạch” là một chặng đường dài, với nhiều khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Đã có lúc, chúng tôi tưởng chừng như bị “lạc lối” trong câu chuyện giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, đền bù cho người dân. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là hành trình này luôn có sự đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình của VCCI, của các cấp chính quyền địa phương có liên quan nên chúng tôi không cảm thấy đơn độc và ngày càng có thêm niềm tin vào VCCI, vào môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Nghệ An”.

Được biết, sau khi bàn giao, cắm mốc trên thực địa cho các doanh nghiệp, UBND huyện Nghi Lộc đã giao Công an huyện và xã có phương án đảm bảo người dân không tái lấn chiếm. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp có phương án làm rào chắn, sớm triển khai san lấp mặt bằng và đầu tư xây dựng theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VCCI gỡ khó cho doanh nghiệp thuê đất ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO