Trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019 mới công bố, VCCI bày tỏ lo ngại về một số quy định pháp luật đang tạo rạ sự độc quyền và làm hạn chế sự cạnh tranh.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một trong những nguyên tắc quan trọng khi xây dựng các chính sách kinh tế là cần thúc đẩy cạnh tranh, tăng cơ hội lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ hoặc mua bán hàng hoá và hạn chế tối đa nguy cơ để nảy sinh độc quyền.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng thực tiễn xây dựng pháp luật trong năm 2019 thì có nơi, có lúc nguyên tắc này vẫn chưa được nhiều cơ quan soạn thảo chú trọng, thậm chí có quy định còn làm trầm trọng thêm tình trạng độc quyền trên thị trường.
Nguy cơ độc quyền về dịch vụ thông tin tín dụng
Lấy ví dụ minh chứng về lo ngại này của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lấy ví dụ về quy định tại dịch vụ thông tin tín dụng.
Theo đánh giá của ông Tuấn dịch vụ thông tin tín dụng là lĩnh vực rất tiềm năng tại Việt Nam, nhưng hiện nay mới chỉ có một công ty thông tin tín dụng được thành lập.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là các điều kiện pháp lý để xin phép thành lập công ty thông tin tín dụng là quá khó khăn và cao một cách bất hợp lý tại Nghị định 10/2010/NĐ-CP ngày 12/02/2010 của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng.
Trong đó, đáng kể nhất là quy định công ty thông tin tín dụng phải được ít nhất 15 ngân hàng cam kết cung cấp thông tin và các ngân hàng này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác.
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về hoạt động thông tin tín dụng, trong đó vẫn duy trì quy định trên. Đây là vấn đề gây tranh luận lớn trong quá trình soạn thảo.
“Quy định như vậy sẽ khiến một nhà đầu tư muốn gia nhập thị trường dịch vụ thông tin tín dụng phải cùng một lúc thuyết phục được 15 ngân hàng hợp tác với mình. Nếu các ngân hàng đó đang hợp tác với công ty thông tin tín dụng khác thì phải phá bỏ hợp đồng hợp tác cũ và chuyển sang một nhà cung cấp dịch vụ mới. Một ngân hàng cũng sẽ chỉ đồng ý phá bỏ hợp đồng với đối tác cũ và chuyển sang công ty mới khi biết chắc rằng có ít nhất 14 ngân hàng khác cũng làm điều tương tự”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Do đó, ông Tuấn cho rằng quy định này sẽ khiến việc thành lập mới công ty thông tin tín dụng là điều bất khả thi và rất dễ dẫn đến nguy cơ độc quyền trong loại dịch vụ này.
Tôn trọng quyền tự do lựa chọn nhà cung cấp của khách hàng sử dụng tên miền
Ngoài ra, ông Tuấn cũng lấy ví dụ về quy định khác trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Vào năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 24/2015/TT-BTTTT về quản lý và sử dụng tài nguyên internet, trong đó có các quy định về quản lý tên miền.
Điều 15 của Thông tư quy định trường hợp khách hàng sử dụng tên miền muốn chuyển đổi từ nhà đăng ký tên miền này sang nhà đăng ký tên miền khác thì phải được sự đồng ý của nhà đăng ký cũ.
“Điều này sẽ rất khó xảy ra vì nhà đăng ký cũ đang được hưởng hoa hồng nên sẽ không có động lực để đồng ý cho khách hàng chuyển sang nhà đăng ký mới”, ông Tuấn nhận xét.
Có thể bạn quan tâm
14:20, 26/12/2019
05:20, 26/12/2019
06:00, 15/01/2019
Hơn nữa, theo quan điểm của ông Tuấn, nếu bãi bỏ quy định này, bắt buộc nhà đăng ký cũ phải đồng ý thì sẽ làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường, buộc các nhà đăng ký phải có dịch vụ tốt để giữ chân khách hàng.
Một cơ chế như vậy cũng tương tự như chính sách cho phép “chuyển mạng giữ số” trong lĩnh vực viễn thông di động mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện.
Ngày 19/7/2019, khi ban hành Thông tư 06/2019/TT-BTTTT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên internet thì Bộ Thông tin và Truyền thông đã sửa đổi quy định này.
Theo đó, khi khách hàng có nhu cầu chuyển nhà đăng ký tên miền thì nhà đăng ký tên miền cũ buộc phải thực hiện việc chuyển đổi và không được gây cản trở.